happy life why not
Cafe chiều thứ 7 - HHT Select - Some nice music - Some useful software - Some wisdoms - Some thoughts and more ... But what's the meaning of your life? What do you live for? What's the aim of your living? Do you have your own answer?

Giáo sư 82 tuổi truyền ngoại ngữ bằng Thiền

HHT Select

(TuanVietNam) - Gửi lại phía sau hơn 40 năm trong nghề giáo, GS Lê Khánh Bằng về hưu với... "bục giảng ở nhà", đón học trò đến học ngoại ngữ không theo cách truyền thống: Học ngoại ngữ bằng phương pháp Thiền.

Không muốn ở ẩn với nếp sống nhàn tản, giáo sư (GS) đã biến căn nhà nhỏ tại tầng 4 khu tập thể Đồng Xa (Hà Nội) thành một giảng đường cho người thích học ngoại ngữ lui tới với phương pháp học đặc biệt mà đến giờ còn gây nhiều tranh cãi.

Học bằng những công thức “Thiền” kì lạ

GS Lê Khánh Bằng (Ảnh: N.T.H)


Khi nói đến Thiền, không ai không nghĩ đến một phương pháp học chủ yếu huy động về mặt tinh thần và ưa phần "tĩnh". Điều đáng nói ở phương pháp học mà giáo sư Lê Khánh Bằng đưa ra là dạy học tiếng Anh chỉ với vài động tác Thiền.

Thiền (tức tập trung) là một cách rèn luyện gồm những biện pháp thể dục và tâm lý, từ gốc Yoga, được một trường phái phật giáo của Trung Quốc kết hợp với phương pháp của Đạo Lão áp dụng sau đó truyền sang Việt Nam, Nhật Bản và ngày nay cũng được một số người châu Mỹ vận dụng.
GS Lê Khánh Bằng
- SN: 1927
- Nguyên là chủ nhiệm khoa Tâm lí giáo dục – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
- Chủ biên cuốn : Phương pháp tự học và hướng dẫn tự học ngoại ngữ có chất lượng và hiệu quả cao”
- Chỗ ở hiện tại: Phòng 402 A17 tập thể Đồng xa- Mai dịch - ĐT: 04-38341329)
Khi thiền ta phải ổn định hoạt động tâm thể bằng điều hoà hơi thở, trên cơ sở ấy, tập trung ý nghĩ vào những bộ phận nào đó của cơ thể, hoặc những giáo lý cơ bản, những vấn đề mình quan tâm.

Và việc học ngoại ngữ thông thường đều chỉ chú trọng vào 4 kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, để việc học ngoại ngữ thật sự có hiệu quả và người học sử dụng ngoại ngữ ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày như ngôn ngữ mẹ đẻ thì cần tạo ra được vùng ngoại ngữ ở trong vỏ não. Tạo ra vùng ngoại ngữ bên trong vỏ não là một quá trình tập trung cao độ lâu dài hay còn gọi là Thiền.

Đã từ lâu người dân của khu tập thể nhỏ bé gọi ông giáo Bằng là "ông giáo Thiền". 82 tuổi, vậy mà ngày nào cụ bà cũng phải nhắc cụ ông rời bàn sách để nghỉ ngơi. Tất cả cũng chỉ tại ông đang làm cuốn sách: “Phương pháp tự học và hướng dẫn tự học ngoại ngữ có chất lượng và hiệu quả cao”.

Phương pháp học ngoại ngữ bằng Thiền đã được giáo sư Lê Khánh Bằng tổng hợp lại với những công thức gồm: 3T, 5B, 5C, 2H và 3V.

GS Bằng dạy học bằng phương pháp Thiền (Ảnh: Dân Trí)

3T là tập trung gồm: 1.Thiền sự tập trung tư tưởng cao độ. 2. Tần số nhắc lại. 3. Tốc độ nhanh như người bản địa, có thể đọc một bài dài trong thời gian ngắn.

5B là 5 bước chuyển vào trong và 5 bước chuyển ra ngoài. Trong đó, 5 bước chuyển vào trong bao gồm:

Bước 1: đọc thật to để tạo nên một khu vực hưng phấn mạnh trong vỏ não và nhằm góp phần làm ức chế vùng tiếng mẹ đẻ. Đọc to, đúng như vậy từ 3 – 5 lần.

Bước 2: đọc to vừa, đúng ngữ điệu, tốc độ có thể nhanh dần lên. Đọc to vừa 3 – 5 lần hoặc hơn.

Bước 3: đọc mấp máy môi, có âm thanh và ngữ điệu phát ra nho nhỏ. Đọc 3 – 5 lần, tốc độ nhanh nhất có thể.

Bước 4: Đọc trong óc, còn gọi là đọc liếc hay đọc thầm. Lúc này môi không mấp máy, âm thanh không phát ra, nhưng bản thân người đọc vẫn cảm thấy âm thanh và ngữ điệu vang lên trong óc. Đọc như vậy nhiều lần, có thể từ 10 đến 100 lần, cho đến khi đọc thuộc lòng hẳn.

Bước 5: Đọc thuộc lòng trong óc nhiều lần( không nhìn vào bảng chữ cái như trong bước 4) để khắc sâu vào vỏ não.

5 bước chuyển vào trong bao gồm:

Bước 1: Đọc trong óc.

Bước 2: Đọc mấp máy môi.

Bước 3: Đọc to vừa.

Bước 4: Đọc to.

Bước 5: Vừa đọc vừa viết nhanh lên giấy.

5C là chất lượng đạt 5 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và suy nghĩ bằng ngoại ngữ. 2H là hiệu quả của việc học ngoại ngữ phải đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế xã hội và sử dụng tốt các nguồn lực.

Cuối cùng là 3V tương ứng với 3 vùng ngoại ngữ cơ bản, từ tối thiểu, phổ thông đến chuyên ngành. Đó là những nội dung cốt lõi và chủ đạo mà người thầy già muốn gửi gắm trong cuốn sách này.

Dạy cách suy nghĩ bằng ngôn ngữ khác

Thầy giáo bắt đầu buổi học với một động tác Thiền

Bắt đầu có ý tưởng từ những năm 1986, khi có buổi giảng dạy cho sinh viên trường Đại học Hà Nội về tâm lí giáo dục. Bản thân giáo sư với 6 thứ tiếng nhuần nhuyễn và ông thấy lạ khi có khá nhiều sinh viên của trường chuyên ngành hàng đầu về ngoại ngữ không tự tin giao tiếp bằng ngoại ngữ họ đang học. Điều ấy thôi thúc ông tập trung nghiên cứu vấn đề này.

Cuối cùng ông đã biết kết hợp mặt lợi của Thiền để nâng cao hiệu quả học tiếng của người học. Ông chính thức mở lớp học từ năm 1995 với nhu cầu cũng như mong muốn của những người theo học.

Ở lớp học của thầy Bằng, khi thầy giáo đề cập đến vấn đề gì hay chỉ vào những hiện vật trực quan cụ thể thì học sinh phát ra thứ đó bằng tiếng Anh ngay lập tức. Phân tích về vấn đề này, GS Bằng cho biết: “Tôi muốn người học phải tự suy nghĩ tiếng Anh ở trong đầu. Suy nghĩ bằng tiếng Anh nhanh chứ không phải nói mãi mới bật ra được. Tôi dựa trên những bước mà kết hợp từ tác dụng của Thiền với tư duy của trí não”.

Cho đến nay tuy sức đã yếu nhưng GS Lê Khánh Bằng vẫn chuyên tâm cho việc truyền bá những tri thức ông học được từ thiền cho người tham gia nhằm nâng cao kĩ năng về ngoại ngữ.

Đã 30 khóa học đi qua với hơn 500 học viên, lớp học ngoại ngữ bằng phương pháp Thiền luôn là điểm đến quen thuộc của những người yêu ngoại ngữ.

Khi nói về việc học tại nhà thầy Bằng, em Trần Đức Tuấn - học sinh lớp 11 trường THPT Việt Đức, nói: “ Ba mẹ định cho em đi du học nhưng vấn đề giao tiếp của em chưa ổn cuối cùng em đi học lớp của thầy Bằng thông qua người quen. Em thấy mình có nhiều tiến bộ nhất là ở kĩ năng nói. Thầy dạy có kỉ luật nên việc tập trung và tự rèn luyện phải cực kì cao mới được kết quả như thế”.

GS Bằng đã giảng dạy thành công khá nhiều thế hệ học trò trong đó có rất nhiều thạc sĩ, cử nhân có nhu cầu học tập tiếng Anh để phục vụ mục đích trong cuộc sống của mình. Hầu hết họ đều đánh giá cao phương pháp học này, tất cả đều do bản thân người học chứ không phải do thầy giáo. Người thầy chỉ là người bật nút và kích thích họ mà thôi.

GS Bằng miệt mài với những trang sách chỉ vì một điều thật hiển nhiên đó là: thực tế việc học ngoại ngữ của người trẻ vẫn còn kém lắm. GS bộc bạch: “Tôi thấy hạn chế nhất của các em chính là khâu giao tiếp. Các em vẫn còn chưa tự tin khi nói và nói vẫn còn chưa chuẩn”.

Cứ tuần tự vào sáng chủ nhật, chiều thứ hai, căn hộ gần 20m2 lại có khoảng 15 học viên đến học. Không khí bao trùm trong sự yên tĩnh tối đa người học không có chút vấn vương những chuyện xung quanh.

Những khúc quanh của đời người dạy học qua Thiền

GS Bằng với cuốn sách mới in của mình

GS Lê Khánh Bằng sinh ra ở mảnh đất Hương Sơn - Hà Tĩnh, mảnh đất của danh nhân và danh thắng. Gia đình thuộc nền nếp danh gia vọng tộc học hành tấn tới. Cụ thân sinh ra giáo sư cũng làm đến chức Tham tán bộ lễ trong triều đình nhà Nguyễn xưa.

Hơn chục tuổi giáo sư đã được gửi hẳn vào trường Quốc học Huế và học cùng những danh sĩ khắp cả nước. Tại đây ông đã được trau dồi những kiến thức căn bản của văn hóa phương Đông và có cơ hội tiếp thu những kiến thức của văn hóa phương Tây. Từ đấy những tố chất của ông được phát huy triệt để.

Năm 17 tuổi ông tốt nghiệp tú tài với bằng xuất sắc, ông ra Hà Nội tiếp tục học cử nhân rồi đi khắp nơi trên thế giới với 6 thứ tiếng uyên thâm. Đặc biệt giáo sư nói rất chuẩn ngôn ngữ Latinh, cụ thể là tiếng Bồ Đào Nha.

GS cho rằng: “Không chỉ có việc học ngoại ngữ cần phải tập trung cao độ mà ở các bộ môn chuyên ngành khác cũng phải như thế. Nếu không tập trung cao độ thì ắt hẳn sẽ khó khăn lắm mới có thể thành công”.

Khi dạy Thiền, giáo sư cũng chỉ mong người học tập trung để tạo được một vùng ngoại ngữ trong vỏ não và đó là mục đích cuối cùng của người dạy.

Để được người khác tin cậy bằng phương pháp học lạ, ông phải đứng trước rất nhiều nghi ngờ. Giáo sư đã phải viết sách và có những buổi thuyết trình trước những nhà khoa học để làm sáng tỏ hơn phương pháp dạy của mình.

GS nói: “Tôi không truyền bá kiến thức. Phương pháp dạy của tôi là cho người học biết hệ thống hóa những kiến thức đã học rồi tổ chức nó theo trật tự logic và đem vào cuộc sống để làm lợi cho cuộc sống từ chính những kiến thức đó”.

Lòng đam mê dạy học, dạy học là niềm vui đã tác động rất lớn đến suy nghĩ của giáo sư. Ông nói vui: "Tôi không muốn mình trở thành một ông già "quá đát" của cuộc sống!". Ở tuổi cổ lai hy, giáo sư vẫn muốn được đóng góp được "thêm chút nào hay chút đó" cho cuộc sống này.

  • Thu Hà – Trần Tân
0 comments:

Post a Comment


Giveaway of the Day -

System Requirements:
Publisher:
Homepage:
File Size:
Price:
..


4 Free On Internet

Followers