happy life why not
Cafe chiều thứ 7 - HHT Select - Some nice music - Some useful software - Some wisdoms - Some thoughts and more ... But what's the meaning of your life? What do you live for? What's the aim of your living? Do you have your own answer?

ĐỒNG ĐỘI

11:53 AM
hoahoctro.vn- Khi trọng tài không nhìn thấy, tôi đã "chơi" lại một cú y như vậy. Cậu ta ngã oạch xuống sân. Còn tôi thì rất hả hê.

Một ngày của bạn chắc chắn sẽ rất rộn rã với không khí Cúp Bóng đá thế giới, không khí thể thao còn "lan" sang cả Chuyên trang Cà phê chiều thứ 7 nữa. Mời bạn đón xem và chúc cuối tuần vui vẻ!

ĐỒNG ĐỘI

Một trong những điều mà các cậu con trai trong các đội thể thao của trường trung học không nhận ra, đó là “đồng đội" sẽ chính là những người bạn tốt nhất sau này.
  
Tôi vẫn còn chơi thân với vài đồng đội của tôi ở đội bóng đá trường trung học Macon (Missouri). Một trong những người đó là Greg Hyatt.
  
Greg là hậu vệ. Và là người gây khó chịu cho đội bóng. Nếu cậu ta không tiếp cận được người đang dẫn bóng, thì sẽ có kẻ phải ngã để cậu ta có thể thực hiện được điều đó. Nên tôi không mấy ưa Greg.

Nhưng tôi vẫn còn nhớ vào năm lớp 12, trong một trận bóng quan trọng. Suốt trận đấu, một cầu thủ đội bạn cứ bám riết lấy tôi và thậm chí còn chơi xấu. Có lúc, cậu ta đập cả cánh tay vào mặt tôi. Lúc đó tôi cũng hơi hoa mắt, nhưng vẫn ném cho cậu ta một ánh mắt thù địch.

15 phút sau, cơ hội đã đến, khi trọng tài không nhìn thấy, tôi đã "chơi" lại một cú y như vậy. Cậu ta ngã oạch xuống sân. Còn tôi thì rất hả hê.

Chỉ có điều, ngay sau trận đấu, tôi không chỉ phải đối mặt với một mình cậu ta, mà còn vài đồng đội của cậu ta nữa. Họ đều nhìn thấy hành vi chơi xấu của tôi. Tuy nhiên, khoảnh khắc đáng sợ đó không kéo dài, vì ngay lập tức, Greg xuất hiện bên cạnh tôi. Hoà giải, tất nhiên.

Vài năm sau, tôi đối mặt với một thử thách khó khăn hơn: Mẹ tôi mất vì bệnh tim.

Tôi vẫn còn nhớ rằng mình đứng trong phòng đợi của bệnh viện, nhìn ra cửa sổ. Mọi người trong gia đình đều ở xung quanh, nhưng có những lúc bạn chỉ muốn nói chuyện với một người bạn, chứ không phải một người thân. Chỉ vừa nghĩ đến đó, tôi nghe có tiếng bước chân lại gần. Khi tôi quay ra, tôi nhìn thấy Greg. Cậu ấy mặc đồ màu đen và mắt cậu ấy ướt.

Khi nhìn thấy Greg, một cảm giác gần gũi và được an ủi xuất hiện ngay trong tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi như quay lại sân bóng trường Macon. Đối mặt với thử thách, nhưng luôn cố gắng và tiếp tục.

Sự có mặt của Greg có ý nghĩa rất lớn với tôi vào ngày hôm đó, và cả ngày hôm nay. Đó là những gì tôi vẫn hay kể với những học sinh trung học trong đội bóng, rằng người đồng đội mà bạn không ưa lại vẫn có thể là người bạn tốt nhất của bạn sau này.
   
Có nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi kể từ ngày đó. Nhưng một trong những điều bền vững nhất là tình bạn của tôi với Greg.

Sau tất cả, chúng tôi vẫn là đồng đội. Và đồng đội luôn ở cạnh nhau ngay khi tất cả những người khác đã rời sân...
Read On 0 comments

AI CŨNG CÓ THỂ BAY

11:49 AM
hoahoctro.vn - Nếu họ thực sự cố gắng và quan tâm.
 
   Có một cậu bé sống trong trại mồ côi từ nhỏ. Cậu bé luôn luôn có ước mơ rằng mình có thể bay được như những chú chim. Mọi lời giải thích đều chẳng có nghĩa lí gì với cậu bé.  Cậu ta luôn thắc mắc rằng tại sao mình lại không thể bay cơ chứ trong khi trong vườn thú còn có những con chim to hơn cậu nhiều mà chúng vẫn bay được.
   Có một cậu bé khác bị liệt từ nhỏ, ước mơ duy nhất của cậu bé là có thể đi đứng và chạy được giống các cô cậu bé khác. Cậu bé cũng luôn hỏi bố mình lí do tại sao cậu lại không thể đi được.
   Một hôm, cậu bé sống ở trại trẻ mồ côi được đi ra ngoài. Cậu ta đến công viên và nhìn thấy cậu bé bị liệt đang chơi trong hố cát. Cậu bé chạy lại ngay hỏi xem cậu bé trong hố cát kia đã bao giờ mơ ước được bay chưa.
-Tớ chưa bao giờ mơ như vậy-Cậu bé bị liệt trả lời-Nhưng tớ luôn ước rằng tớ có thể đi lại bình thường như cậu.
-Tớ xin lỗi, chuyện của cậu thật đáng buồn. Này, chúng ta có thể làm bạn với nhau được chứ?
-Tất nhiên rồi!
Hai đứa trẻ chơi với nhau rất vui vẻ cho đến khi bố cậu bé bị liệt mang chiếc xe lăn ra đón con trai mình về. Cậu bé có mơ ước được bay ra nói thầm điều gì đó vào tai bố bạn mình.
-Được thôi, nếu cháu muốn-Người bố vui vẻ đáp.
Cậu bé tiến lại chỗ bạn mình và nói:
-Cậu là người bạn duy nhất của tớ. Tớ ước gì có một điều kì diệu sẽ làm cho bạn có thể đi lại được. Tớ chỉ có thể làm được cho bạn một điều nhỏ này.
Nói rồi cậu bé cõng ngay người bạn bị liệt của mình lên lưng và đi. Lúc đầu, cậu đi từ từ, rồi dần dần cậu chạy, chạy nhanh hơn. Cậu bé bị liệt hứng thú reo lên:
-Cảm ơn cậu, đây là lần đầu tiên tớ di chuyển được mà không cần xe lăn.
Cậu bé muốn được bay càng chạy nhanh hơn nữa dù mặt cậu đỏ bừng và áo thì ướt sũng mồ hôi. Người cha hạnh phúc nhìn hai đứa trẻ chạy vòng vòng quanh thảm cỏ. Cậu bé bị liệt giơ hai tay lên trời hét to:
-Bố ơi nhìn này, con có thể bay được rồi, con đang bay này!

Câu chuyện cảm động của hai cậu bé nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu bạn không thể bay, bạn vẫn có thể giúp người khác bay. Cũng giống như là nếu bạn không thức hiện được ước mơ của mình thì bạn vẫn có thể giúp người khác thực hiện ước mơ của họ, cho dù ước mơ đó giống hệt ước mơ của bạn. Và bạn vẫn hạnh phúc!
Roger Dean Kiser
Như Phương (dịch)
Read On 0 comments

Đừng để bị đánh gục!

11:43 AM
hoahoctro.vn - "Đúng, David Jones là một thợ sơn tuyệt vời, và quan trọng hơn, ông là một chiến binh quả cảm. Là một người có thể bị “đánh ngã” để rồi lại đứng lên và mạnh mẽ hơn, chứ không bị “đánh gục”. Đó là lý do tôi luôn thấy vinh dự khi được là bạn của ông..."


Nhiều năm trước, gia đình chúng tôi cần tìm một người thợ sơn để sơn lại nhà cửa. Một người bạn giới thiệu cho tôi người thợ sơn quen thuộc, và chúng tôi gọi điện cho ông ấy.

Đó là một người rất chăm chỉ và cẩn thận, ông ấy làm tốt đến mức chúng tôi còn nhờ ông ấy làm những công việc sơn sửa khác nữa. David Jones, tên người thợ sơn, còn biết xây hàng rào, mắc đèn, đóng tủ…

Bạn cứ nói việc bạn cần làm, và David Jones sẽ làm được. Vì làm nhiều như vậy nên dần dần, chúng tôi cũng quen và nói chuyện với ông ấy như bạn bè, chứ không phải như một người làm thuê. Chúng tôi tin tưởng ông ấy và thường mời ông ấy đến nhà ăn tối.

Một hôm, khi tôi vừa định gọi điện cho David để chúc mừng sinh nhật ông ấy, thì điện thoại nhà chúng tôi reo trước. Đó là David, và qua giọng của ông, chúng tôi biết có điều gì đó không ổn – cực kỳ không ổn.



David lúc đó rất hoảng hốt, giải thích rằng con trai của ông là Sean mới gặp tai nạn.



- Nó và bạn bè đang chạy thử một chiếc xe máy, và Sean lao vào gốc cây! – Giọng David thất thanh.



Sean bị thương ở cột sống, và David bảo rằng “Sean có thể không qua được”.

Suốt những ngày sau đó, tình trạng của  Sean chỉ là cầm cự. Tuy nhiên, một cách thần kỳ, tình trạng của cậu chuyển từ nguy kịch sang ổn định. Cuối cùng, Sean đã được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt sang khu phục hồi.

Hầu như ngày nào, tôi cũng nhắn cho David cùng một tin nhắn mà bố tôi đã dạy tôi từ hồi còn nhỏ:

 “Từng dặm một là một thử thách.

 Từng mét một vẫn còn rất khó khăn.

 Nhưng từng inch một thì chắc chắn là dễ dàng”.



Thế rồi, chỉ khoảng một tháng sau vụ tai nạn xe máy, chúng tôi lại nhận được một cú điện thoại hoảng hốt nữa. David nói rằng ông không biết phải làm gì. Ông đang ở trong viện vì vợ ông lên cơn đau tim.



Chúng tôi vội đến bệnh viện để giúp đỡ bất kỳ điều gì có thể. Nhưng thật không may là đã quá muộn. Judy, vợ của David, đã hôn mê và bà ấy mất. Chúng tôi đã đứng ra lo mọi chuyện như thể là gia đình của David. Và chúng tôi thấy vinh dự vì điều đó.



Vậy là, David phải chịu hai mất mát lớn trong một thời gian ngắn – tai nạn của con trai và sự ra đi của vợ. David cố gắng hành động mạnh mẽ, như thể mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng chúng tôi biết là ông không thực sự cảm thấy thế. Chính David cũng biết vậy.



David bắt đầu đưa ra các lý do để không đến làm việc nữa mỗi khi gia đình tôi có việc cần thuê, hoặc giới thiệu người quen cho ông. Tôi cố nói chuyện với ông, nhưng ban đầu, David không mở lòng với bất kỳ ai.



Tôi đành vào bệnh viện thăm Sean thường xuyên hơn. Trong những cuộc gặp ngắn ngủi với David, tôi nói với ông rằng hãy nhìn xem Sean đã đi được xa hơn tới chừng nào, vì cậu ấy đã từng cách cái chết có vài cm, nên cho dù lúc này chân tay chưa hoạt động được bình thường, thì như thế cũng là đáng để hy vọng lắm rồi.



Một lần, khi vào viện, tôi thấy David đang giúp Sean ngồi dậy và tập đi. Tôi dừng lại ngoài cửa, chưa muốn xen vào khoảng thời gian riêng tư của hai bố con họ.

Và tôi thấy David nói với Sean chính những điều tôi đã nói với ông: 

- Từng dặm một là một thử thách. Từng mét một vẫn còn rất khó khăn. Nhưng từng inch một thì chắc chắn là dễ dàng.

Tôi thấy Sean mỉm cười và cố gắng tập đi.

 Dần dần, cùng với sự cải thiện trong tình trạng sức khỏe của Sean, David cũng cởi mở hơn. Ông lại chăm chỉ làm việc, cẩn thận và tỉ mỉ y như trước kia. Những mất mát của ông là quá lớn, nhưng rõ ràng, David đã đứng dậy và đi tiếp.

Và thỉnh thoảng, khi tôi hỏi thăm ông, 

David, như con người tôi đã từng biết, lại mỉm cười hiền lành và đáp:

- Tôi đã bị đánh ngã, nhưng tôi không cho phép mình bị đánh gục.

Đúng, David Jones là một thợ sơn tuyệt vời, và quan trọng hơn, ông là một chiến binh quả cảm. Là một người có thể bị “đánh ngã” để rồi lại đứng lên và mạnh mẽ hơn, chứ không bị “đánh gục”. Đó là lý do tôi luôn thấy vinh dự khi được là bạn của ông.


Michael Segan
Đặng Mỹ Dung (Dịch)
Read On 0 comments

Món quà lớn nhất

11:39 AM
hoahoctro.vn - Món quà lớn nhất mà một người lớn có thể nhận được: một cái ôm thật chặt của một đứa trẻ.




Khi lái xe trên đường cao tốc, mẹ tôi đã "chuẩn bị tinh thần" cho chúng tôi về những gì mà chúng tôi sắp nhìn thấy. Một bà cụ đang hấp hối vì bệnh ung thư, và mẹ tôi đã đăng ký là cả gia đình tôi tình nguyện tới giúp đỡ việc nhà cho bà cụ.
   
- Bà Annie bị một khối u làm cho mặt bà bị biến dạng - Mẹ nhấn mạnh.
   
Mẹ đã kể cho bà Annie nghe rất nhiều về chúng tôi, và bà Annie cũng từng nói chuyện với tôi qua điện thoại. Có vẻ bà rất vui khi tôi nói chuyện với bà. Nhưng bà nói:
   
- Rất nhiều trẻ con đều sợ khuôn mặt bà, bà sẽ hiểu nếu cháu không muốn đến thăm bà.
   
Tôi đã đấu tranh rất nhiều khi mẹ nói sẽ đưa chị em tôi tới nhà bà Annie. Mẹ bảo chúng tôi phải hiểu rằng những người bị bệnh hoặc khuyết tật cũng giống như những người bình thường khác - cảm xúc của họ cũng có thể bị tổn thương.
  
- David - Mẹ nói với cậu em 5 tuổi của tôi - Con có nhớ bộ phim về cậu bé có khuôn mặt bị biến dạng không?
   
- Có, mẹ ạ - David đáp, trong khi tôi hơi rùng mình - Con hiểu rồi mà.
  
- Khối u trông như thế nào ạ? - Tôi rụt rè hỏi mẹ. Có lẽ tôi không dũng cảm như David.
  
- Nó làm cho da mặt bà Annie bị co lại và bà nói chuyện rất khó khăn - Mẹ đáp - Con sẽ thấy khi con gặp bà ấy. Nhưng không có gì phải sợ. Chỉ có điều, các con phải nhớ rằng đừng có nhìn chăm chăm vào bà Annie. Đừng có nhìn như thế.
   
- Các con đã sẵn sàng chưa? - Mẹ hỏi lại khi dừng xe trước cửa nhà Annie.
   
- Sẵn sàng rồi ạ! - David đáp mạnh mẽ như trong quân đội - Con không sợ đâu, mẹ!
   
Còn tôi thì gật gật đầu, hơi co người lại một chút.
   
Chúng tôi bước vào phòng khách, nơi bà Annie đang ngồi trên ghế bành. Trên bàn, trước mặt bà là rất nhiều thư và thiệp. Tôi chững lại một chút, trông bà Annie đáng sợ hơn tôi tưởng - đáng sợ hơn cả trong phim "Mặt nạ" mà tôi từng xem. Mẹ đi đằng sau, nắm lấy vai tôi.
   
Bà Annie ngẩng lên nhìn chúng tôi, và tôi thấy khuôn mặt nhăn nheo của bà sáng bừng lên:
   
- Các cháu đến đấy à, bà mừng quá!
   
Tiếng nói của bà Annie rất khó nghe, và khi bà nói, miệng bà càng co lại, trông rất kỳ lạ.
   
Rồi một điều kỳ diệu xảy ra. David chạy ào lại chỗ ghế bà Annie, vòng tay ôm lấy bà và hôn chụt vào gò má nhăn thành từng nếp. Vừa mỉm cười, David vừa nhìn vào mắt bà Annie và nói:
   
- Cháu cũng rất vui được gặp bà. Bà có khoẻ không?
   
Ngay khi đó, tôi bỗng cảm thấy mình bé nhỏ hơn David rất nhiều. Và tôi cũng chạy lại chỗ bà Annie, ôm bà thật chặt.
   
Đó là khi tôi cảm thấy má tôi hơi ươn ướt dù không hề khóc. Nước mắt của bà Annie. Lúc đó, tôi biết rằng tôi và David đã tặng bà Annie một món quà lớn hơn nhiều so với chuyện giúp đỡ việc nhà. Món quà lớn nhất mà một người lớn có thể nhận được: một cái ôm thật chặt của một đứa trẻ.

Diane Harnish Benson
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Con trai của bác sĩ

11:36 AM
hoahoctro.vn - Tuy nhiên, việc có một người cha "nổi tiếng" làm cho tôi sung sướng bao nhiêu hồi còn nhỏ, thì khi tôi 16 tuổi nó lại giống như một điều ám ảnh...



Tôi lớn lên tại một thị trấn nhỏ, nơi mà mọi người luôn chào nhau bằng tên - vì mọi người đều biết nhau. Riêng tôi, mỗi khi về thị trấn, đều được chào hỏi bằng một nụ cười: "Con trai của bác sĩ Eppley đã về rồi!".


Bố tôi tới thị trấn và mở phòng khám khi tôi còn bé tí tẹo. Chỉ trong vòng vài tháng, tất cả người dân ở đây đã yêu quý bố tôi như thể ông đã sống ở đó 20 năm. Họ gọi bố tôi rất thân mật: "Bác sĩ Eppley". Và tôi thì được gọi là "con trai của bác sĩ Eppley".


Ngày đầu tiên đi học, các bạn vây quanh tôi vì tôi là con của vị bác sĩ nổi tiếng.


- Nếu em giống bố thì chắc hẳn là em thông minh lắm đấy! - Cô giáo dạy lớp một của tôi nói thế. Và tôi không thể giấu được nụ cười tự hào.


Tuy nhiên, việc có một người cha "nổi tiếng" làm cho tôi sung sướng bao nhiêu hồi còn nhỏ, thì khi tôi 16 tuổi nó lại giống như một điều ám ảnh. Cho nên, khi có người hỏi tôi có phải là con trai của bác sĩ Eppley không, tôi đáp cục cằn:


- Tên cháu là Harold! Và cháu có thể tự sống được với cái tên của mình!


Để chống đối, tôi bắt đầu gọi bố tôi là "bác sĩ". Bố tôi nói:


- Con gọi như vậy, bố rất buồn!


- Còn con thì rất buồn khi tất cả mọi người đều gọi con là "con trai của bác sỹ Eppley! - Tôi quát tướng lên - Con muốn là chính con thôi!


Năm 18 tuổi, tôi đăng ký ngay vào một trường đại học ở càng xa thị trấn càng tốt. Tôi muốn đến một nơi mà không ai gọi tôi là "con trai của bác sĩ Eppley" nữa.


Một lần, nhóm bạn trong ký túc xá của tôi nói về những thứ mà chúng tôi ghét nhất hồi còn nhỏ. Tôi bắt đầu luôn:


- Tớ không thể chịu được việc ai cũng gọi tớ là "con trai của bác sĩ Eppley". Tớ muốn được biết đến là chính tớ!


Cô bạn dễ thương ngồi cạnh tôi nhíu mày:


- Tớ không hiểu. Tớ sẽ thấy rất tự hào nếu có một người cha được kính trọng như thế - Mắt cô ấy hoe đỏ - Tớ sẽ đánh đổi bất kỳ điều gì để được gọi là con của bố tớ. Nhưng bố bỏ đi từ khi tớ mới 4 tuổi.


Tất cả mọi người đột nhiên im lặng, và chúng tôi phải đổi chủ đề.


Kỳ nghỉ đông đó, tôi về thăm nhà, đầy tự hào. Ở trường mới, tôi đã có rất nhiều bạn, nổi tiếng trong trường vì học giỏi, chơi thể thao cừ, nói chung là vì chính tôi chứ chẳng cần danh tiếng của bố. Tôi muốn mượn chiếc ôtô mới của bố đi lòng vòng.


Bố tôi đồng ý, dặn theo như mọi khi:


- Con phải cẩn thận đấy!


- Con đã học Đại học rồi, thưa bác sĩ - Tôi "phản pháo" - Chẳng lẽ con không biết lái xe hay sao?


Tôi có thể thấy bố buồn đến mức nào, vì tôi biết bố không thích tôi gọi bố là "bác sĩ".


Tôi nhảy lên chiếc ôtô mới của bố, tận hưởng không khí trong lành của vùng ngoại ô thị trấn, sảng khoái tới mức không kịp nghe thấy tiếng xe phanh phía trước. Tôi chỉ nghe thấy một tiếng động khủng khiếp khi tôi nhấn phanh quá muộn.


Người phụ nữ lớn tuổi lái chiếc xe phía trước tôi không bị làm sao cả, nhưng bà ấy nhảy ngay ra khỏi xe:


- Đồ trẻ ranh! - Bà ấy hét lên - Lái xe không biết nhìn đường à???


Tôi bước ra ngoài và thấy cả hai chiếc xe đều móp méo thê thảm. Tôi cúi gằm mặt. Còn người phụ nữ tiếp tục xối xả:


- Thế mà cũng đòi lái xe à! Bỏ tiền ra đền mau lên! Mà mày là con cái nhà ai thế hả?


Tôi phát hoảng, và không kịp suy nghĩ, tôi kêu lên:


- Cháu là con của bác sĩ Eppley.


Tôi không thể tin được mình vừa nói gì. Và gần như ngay lập tức, người phụ nữ dịu giọng:


- Ra vậy! Cô xin lỗi, cô nặng lời quá. Cháu lớn thật, cô không nhận ra cháu nữa đấy!


Khoảng một tiếng sau, tôi lái chiếc xe bẹp của bố tôi về nhà và lúng búng giải thích.


- Con có sao không? - Bố tôi hỏi.


- Không ạ!


- Tốt! - Bố vỗ vai tôi - Harold, thỉnh thoảng những chuyện như thế này vẫn xảy ra ấy mà!


Tối hôm đó, cả nhà làm một bữa liên hoan nhỏ mừng tôi trở về. Tôi rất ít khi đứng gần bố, nhưng hôm đó, tôi đã ôm bố thật chặt và gọi "tên thật" của bố sau nhiều năm:


- Cảm ơn bố! Con thật vui vì lại được về nhà!


Harold Eppley
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Bố tôi - Một người phục vụ bàn

6:32 PM
hoahoctro.vn - Tôi không thể tin được một người đã từng dạy tôi bơi khắp vịnh Coney giờ đây lại mong manh đến thế. Các bác sĩ nói rằng mạch bố tôi rất yếu...







Năm tôi 16 tuổi, bố đưa tôi đến tiệm ăn nơi bố làm quản lý kiêm phục vụ bàn. Bố đưa cho tôi một cái sơ-mi trắng và một cái nơ và bảo "Vào việc thôi, cậu cả!". Còn tôi thì chỉ lo mình sẽ làm đổ thức ăn ra khắp tiệm ăn.

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi chỉ là thu gom và rửa đĩa. Nhưng đến tối, khi khách đông, bố nói tôi phải ra ghi món.

- Món cá hồi pho-mát có hạt tiêu không? - Một quý bà hỏi - Tôi bị dị ứng hạt tiêu.
   
Dị ứng với hạt tiêu? Tôi chưa bao giờ biết trên thế giới lại có một thứ gì như thế. Tôi nghệt ra, bố tôi chạy tới, nói đỡ:

- Có hạt tiêu đấy, thưa bà! Bà thử ăn cá hồi sốt cà chua vậy?
   
Cuối cùng, tôi cũng phục vụ xong bàn đó với món cá hồi cà chua cho quý bà và cá hồi nướng cho những người còn lại.
   
Rồi tôi dần quen việc và chính thức làm phục vụ ngoài giờ học. Ở đây, đa số những người phục vụ đều lớn tuổi và tôi không biết tại sao bố lại tuyển họ. Bác Roy có một cánh tay lúc nào cũng đau, không thể bê nhiều đĩa. Bác Diego từng đánh giày, chẳng có chuyên môn gì về các món ăn. Và Walter, bác phục vụ chậm nhất, thì vẫn luôn hy vọng trở thành một nghệ sĩ kịch.

Bố tôi là quản lý, nhưng ông phục vụ nhiều hơn hẳn những người khác. Bố luôn mỉm cười, và khách hàng trở lại tiệm ăn lần thứ hai thì từ cửa đã gọi tên bố. Bố giới thiệu tôi với họ: bác này là nha sĩ, đây là bác luật sư, còn chú này làm về bất động sản... Có lẽ bố muốn tôi nhận ra họ, phòng khi tôi cần những mối quen biết trong những lĩnh vực đó chăng?!

Cứ khoảng 8h tối là bố cho những làm cùng ca về nghỉ. Bố sẽ phục vụ một mình. Trong nhiều năm, thậm chí cả khi tôi học đại học, bố vẫn thường gọi tôi đến giúp vào lúc 11h đêm vì quá bận.

Một ngày, khi tôi vừa đi học về thì bố gọi. Nhìn thấy số điện thoại của bố, tôi rên lên, biết rằng nửa ngày tự do của mình sẽ bị "tận dụng". Tôi nghe bố nói:
  
- Con có thể đến tiệm ăn và mang cho bố một cái sơmi trắng được không? Thật nhanh nhé!
   
Bố đặt máy. Tôi vội vã rời khỏi nhà. Tôi tìm thấy bố ở phòng thay quần áo, rất xanh xao, một vết máu đỏ sẫm trên ngực áo. Bố ho ra máu.

- Bố nghỉ đi! - Tôi cuống lên, tự mặc chiếc sơmi vào và gọi cho mẹ, sau đó thay bố phục vụ cả tiệm ăn. Mẹ đến, và phải thật sự "lôi" bố lên xe cấp cứu.

Đêm khuya, khi xong việc, tôi vào viện thăm bố, người vẫn còn đầy mùi thức ăn. Các bác sĩ đã cứu sống bố. Nhưng bố rất yếu, nằm lịm.

Tôi không thể tin được một người đã từng dạy tôi bơi khắp vịnh Coney giờ đây lại mong manh đến thế. Các bác sĩ nói rằng mạch bố tôi rất yếu.

Nhưng ngay khi tôi đến cạnh giường, bố tôi mở mắt, và hơi gật đầu. Tôi cúi xuống, hôn lên trán bố.

- Con yêu bố, con đã làm tốt việc ở tiệm ăn, các vị khách rất hài lòng...

Tôi nói thầm với bố như vậy, và hôn lên trán bố lần nữa. Đó là lúc tôi nghe một tiếng kêu rất nhỏ, rồi một tiếng nữa. Những âm thanh đó phát ra từ chiếc máy gắn vào người bố, và màn hình cho thấy những đường thẳng nhô lên cao hơn, cao hơn như những ngọn núi nhấp nhô.

Đó là tiếng mạch của bố đập mạnh trở lại...

Eli Shoshani
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Lời cảm ơn của người máy BenJin

11:29 AM
hoahoctro.vn - ...Và cảm ơn vì bố chưa bao giờ có thể nói "không" với con trai mình.


Bố tôi là người rất bận rộn. Bố thường vắng mặt bên tôi, trừ những lúc tôi cần. Khi tôi ở nhà một người bạn thân chơi suốt cuối tuần, đến Thứ hai, ngày bố phải làm việc, lại gọi điện nhờ bố đến đón.

- Được, bố sẽ đón nhóc! - Bố sẽ nói và đến đón tôi đúng giờ.

Có rất nhiều cách để thể hiện sự thương yêu, và bố tôi chọn cách có mặt đúng lúc.

Có những hôm ôn thi khuya khoắt, tôi đánh thức bố dậy lúc 1h đêm:

- Bố à, con đói quá, có gì ăn không ạ?

- Tất nhiên là có rồi! - Bố sẽ nhỏm dậy và mỉm cười - Con ăn bánh mỳ với trứng nhé, bố sẽ rán trứng? Và chỉ một phút sau, gian bếp đã sực nức mùi trứng rán đập thêm chút bơ tươi.

Vào buổi đêm, trước khi đi ngủ, bố sẽ gõ cửa phòng tôi và hỏi:

- Con có muốn uống một cốc sữa không, Người Máy Benjin?

Tôi đã từng rất ghét bố gọi tôi như thế, kể từ khi bố xem một bộ phim có người máy Benjin, thay vì tên tôi là Benji. Nhưng có lẽ đó là một cách thể hiện sự thương yêu riêng của bố.

Vào ngày thứ Bảy, bố luôn vào phòng tôi và hỏi:

- Ra sân chơi bóng ném không?

- Có chứ ạ! - Tôi reo lên.

Có những ngày bố mệt, nằm ngủ nướng trong phòng, thì tôi sẽ chạy sang rủ bố chơi. Bố vẫn nói:

- Chắc chắn là phải chơi chứ, Người Máy Benjin! - Và vùng dậy.

Khi tôi khoảng 15-16 tuổi, tôi bắt đầu muốn độc lập hơn, và thấy việc bố rán trứng hay mang sữa cho tôi thật trẻ con. Bố vẫn ngó vào phòng tôi và hỏi:

- Con uống một cốc sữa sôcôla rồi mới đi ngủ nhé?

- Thôi ạ! - Tôi làu bàu, rồi chúi mũi vào cuốn vở, coi như câu chuyện đã chấm dứt mà chẳng nghĩ tới việc bố cảm thấy thế nào.

Tôi đã nghĩ là mình đã trưởng thành và sống được một mình, khỏi cần những sự quan tâm "trẻ con" của bố cho đến khi tôi bị ốm và phải vào bệnh viện. Đêm nào bố cũng trực ở bệnh viện.

- Bố về ăn cơm đi chứ - Tôi sẽ nói với bố - Với lại, bố cũng phải ngủ nữa.

- Đừng có lo lắng thế! Cười cho bố xem nào!

- Bố à, bây giờ con không cười được! - Tôi đáp.

- Con cười đi nào, một lần thôi, rồi bố không nói thế nữa đâu - Bố lại nói nửa đùa nửa thật như vậy.

Và đến lúc đó thì tôi không thể không mỉm cười.

Tôi không biết phải cảm ơn bố bao nhiêu lần mới đủ - cảm ơn vì bố luôn làm cho tôi một món ăn vào buổi đêm, vì bố luôn bên cạnh tôi những lúc tôi cần, vì bố đã gọi tôi là Người Máy Benjin. Và cảm ơn vì bố chưa bao giờ có thể nói "không" với con trai mình.

Benjamin Raymond
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Người hùng không dừng lại.

11:24 AM
hoahoctro.vn - Người anh hùng của tôi vẫn chưa dừng bước, và tôi cũng tò mò, không biết bố sẽ làm việc anh hùng gì tiếp theo...




Bố tôi là một tài xế xe tải đã hơn 30 năm. Mỗi ngày, bố làm việc hơn 12 tiếng, kể cả cuối tuần, chở rất nhiều thứ, từ kim loại, tới các loại hoá chất nguy hiểm, dễ cháy nổ... và đủ thứ khác nữa. Bác giám đốc của bố nói rằng với những thứ quan trọng như vậy, thì thật là an tâm khi có một người đáng tin cậy như bố chuyên chở chúng.


Một lần, bố chở tôi và em trai đi đón mẹ ở cơ quan. Khi dừng lại ở một ngã tư đèn đỏ, bố nói bố ngửi thấy mùi gì rất lạ. Khói đang bốc lên từ một toà nhà phía sau. Ngay lập tức, bố đỗ gọn xe vào lề, bảo hai chúng tôi ngồi yên, rồi lao xuống đường. Bố mở cử toà nhà, chạy vào bên trong.
Chỉ một chút sau, bố dẫn một phụ nữ chạy ra, rồi lại chạy ngược vào và dẫn ra hai đứa trẻ. Lần thứ ba, bố thậm chí còn lôi ra một con gấu bông rất to mà cô bé vừa được cứu thoát đã ôm chầm lấy như báu vật. Khi xe cứu hoả đến, bố tôi quay lại xe, và chúng tôi và tiếp tục lên đường đón mẹ.


Bố thậm chí không hề kể với mẹ chuyện đó. Ngày hôm sau, tin về vụ cháy được đăng lên báo, gia đình ở ngôi nhà bị cháy đang cố gắng tìm bố tôi để cảm ơn. Khi chúng tôi đưa báo cho bố xem, bố nói họ đang còn nhiều việc quan trọng hơn phải lo.


Bố tôi còn giống như một... cái máy dò kim loại. Trên đường đi, bến xe bus, công viên, bố đều nhặt được đủ thứ mà chúng tôi dù để ý đến mức nào cũng không bao giờ thấy. Tiền xu, ốc vít và có khi cả đồ trang sức. Nhưng bố cho rằng thứ giá trị nhất mà bố nhặt được là một cái ghim cài mạ vàng, một tặng phẩm dành cho những sinh viên trường Y tốt nghiệp loại giỏi và có nhiều đóng góp cho cộng đồng.


Đằng sau chiếc ghim có khắc chữ cái đầu của họ và tên của một người nào đó, cùng với năm tốt nghiệp là 1940. Bố đã gọi điện đến tận trường Y để tìm tất cả những người có chữ cái đầu của tên họ giống như khắc trên chiếc ghim cài, rồi tra đủ kiểu danh bạ, và phát hiện ra rằng người chủ chiếc ghim hiện đang ở một viện dưỡng lão cách chúng tôi gần 200km!


Chủ Nhật, bố lái xe đưa chúng tôi đến gặp bà cụ. Bà vui đến mức bật khóc. Bà đã làm mất chiếc ghim hàng chục năm nay, và không nghĩ là có thể tìm lại được.


Tôi đã học được từ bố tôi rằng là "một người hùng" có nghĩa là làm bất kỳ những gì bạn có thể, vào bất kỳ thời điểm nào bạn có thể, cho bất kỳ ai có thể.


Kể từ khi tôi đi học đại học xa nhà, tôi đã đọc trên báo rằng bố nhận được bằng khen của thành phố vì đã cứu một người thoát khỏi chiếc xe ôtô bị tai nạn. Người anh hùng của tôi vẫn chưa dừng bước, và tôi cũng tò mò, không biết bố sẽ làm việc anh hùng gì tiếp theo...
Brent Clevenger
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Món quà lớn nhất..

11:10 AM
hoahoctro.vn - Không phải vì giá trị của con cừu, mà là món quà khi biết rằng mình được quan tâm, bởi ít nhất một người nào đó. Đó là món quà lớn nhất trong cuộc sống.






Nhà thơ nổi tiếng người Chilê Pablo Neruda từng kể lại câu chuyện về món quà lớn nhất mà ông từng nhận được...
   
Ngày nhỏ, Pablo là một cậu bé cô độc và buồn bã, không có anh chị em, cũng chẳng có bạn bè. Một hôm, Pablo đang chơi một mình trong vườn thì chợt phát hiện ra dưới chân hàng rào bằng gỗ kín mít phía sau nhà lại có một cái lỗ. Thấy rất lạ, nên hôm nào Pablo cũng chơi quanh quẩn gần cái lỗ đó, thậm chí có khi còn hỏi to xem có ai ở bên kia hàng rào không. Nhưng chẳng có tiếng trả lời.
   
Bỗng nhiên, một hôm, khi Pablo đang chơi ở sau nhà thì có một bàn tay bé xíu thò qua cái lỗ ở hàng rào. Rồi cũng bất ngờ như lúc đầu, bàn tay bé xíu đó rụt ngay lại, để lại trên mặt đất một con cừu đồ chơi nhỏ bằng nhựa.
   
Pablo chạy ngay vào nhà và mở ngăn kéo, lấy ra món đồ chơi mà cậu yêu thích nhất - một quả thông khô rất to. Cậu nhấc lấy con cừu, rồi đặt quả thông xuống chỗ đó. Bàn tay kia lại xuất hiện, cầm lấy quả thông. Còn Pablo thì chạy vào nhà, cùng với con cừu đồ chơi.
   
Qua rất nhiều năm, kể cả cho đến khi trở nên nổi tiếng, Pablo Neruda vẫn giữ con cừu nhựa như một trong những món đồ mà ông yêu quý nhất. Không phải vì giá trị của con cừu, mà là món quà khi biết rằng mình được quan tâm, bởi ít nhất một người nào đó. Đó là món quà lớn nhất trong cuộc sống.
  
Pablo Neruda kết thúc câu chuyện: "Lần trao đổi quà bé nhỏ và bí ẩn đó mãi mãi ở trong tâm trí của tôi, sâu sắc và bền vững".

Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Cậu bé da nâu

11:04 AM
hoahoctro.vn - Danielle rất vui. Vì ít nhất, chúng tôi đã làm một việc trong khả năng của mình.




Lúc đó Danielle mới 4 tuổi, vừa xuống khỏi xe bus nhà trẻ, cô  bé đã lao tới chỗ tôi, dừng lại, thở lấy hơi, rồi... hét lên, tay đấm mạnh xuống bàn.


- Bố, bọn họ cư xử rất tệ hại với cậu ấy!


- Ai cư xử tệ hại với ai? - Tôi ngắt lời.


- Bọn con trai trên xe bus! Chúng nó cư xử rất tệ hại với cậu bé da nâu!


Danielle ngẩng lên nhìn tôi, tay chống hông, mắt mở to. Tôi biết cô bé đang kỳ vọng một-người-lớn ra tay lấy lại công lý ngay lập tức. Đây là thực tế đầu tiên cô bé khám phá trong chuyến phiêu lưu bên-ngoài-thế-giới-riêng của mình.


- Họ lấy cậu ấy ra làm trò đùa! - Cô bé gật đầu rất mạnh, nói rành mạch - Họ cười cậu ấy! Họ nhại giọng cậu ấy! Họ làm cậu ấy khóc!


Có điều gì đó rất khác từ Danielle, một cô công chúa tóc vàng lúc nào cũng cười, chẳng bao giờ buồn hay giận dữ cả.


- Họ nhại giọng cậu ấy...? - Tôi hỏi lại.


- Vì cậu ấy không nói chuẩn lắm, nhưng đó chỉ là vì cậu ấy còn nhỏ!


"Cô gái trưởng thành" 4 tuổi nói rất nghiêm túc, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, đòi hỏi một câu trả lời:


- Tại sao họ lại tệ hại thế?


Chúng tôi đã quyết định gửi Danielle đến nhà trẻ bằng xe bus, cùng với những đứa trẻ khác, lớn hơn, cứng cỏi hơn và khoẻ hơn, để cô bé có thể thoát khỏi cuộc sống quen được chiều chuộng của mình. Và cuối cùng thì công chúa cũng đã lớn.


- Hay là vì cậu ấy mới đi học? - Tôi hỏi.


Danielle nghĩ một tẹo:


- Không, khi con mới đi học, bọn họ cũng không lấy con ra làm trò cười.


- Hay là bởi vì da cậu ấy màu đen? - Tôi hơi ngập ngừng.


Danielle có vẻ lúng túng:


- Bố muốn nói là màu nâu à? - Thấy tôi gật đầu, cô bé tiếp - Chỉ vì cậu ấy da nâu? Không thể trêu chọc một người vì da người ta nâu!


Tôi nói rằng tôi hy vọng điều đó là đúng, nhưng có những bài học của cuộc sống mà mỗi người bắt buộc phải học, dù muốn hay không.


Vì chúng tôi đang nói về chuyện xe bus, và vì cô bé gái 6 tuổi của nhà hàng xóm tên là Shannon, bị hội chứng down, cũng đi trên cùng chuyến xe, nên tôi hỏi:


- Nếu vậy thì... có ai trên xe bus trêu chọc Shannon không?


Dường như câu hỏi của tôi làm cho cô bé rơi vào một khoảng chân không. Danielle nhíu mày, rồi hỏi:


- Tại sao mà ai đó lại phải trêu chọc Shannon?


Tôi ngượng ngịu lắc đầu. Đôi khi người lớn cũng có thể ngốc nghếch như vậy đấy.


Tôi gọi điện cho thầy hiệu trưởng và nói chuyện về cậu bé da nâu trên xe bus. Tôi kể lại toàn bộ những gì Danielle đã nói, và thầy hiệu trưởng muốn cảm ơn Danielle, đồng thời cũng hứa sẽ xem xét việc này.


Danielle rất vui. Vì ít nhất, chúng tôi đã làm một việc trong khả năng của mình.


Tôi không biết thầy hiệu trưởng nói gì với học trò của mình. Nhưng ngày nào, Danielle cũng "cập nhật" những câu chuyện về "cuộc sống trên xe bus nhà trường" cho tôi nghe, và không còn một "tai nạn" nào liên quan đến cậu bé da màu nâu nữa.


Vì có một cô công chúa đã nhìn thấy và không để việc đó xảy ra thêm lần nào nữa.


A.Peters
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Bình Minh của bố

10:57 AM
hoahoctro.vn - Một khoảnh khắc mà những điều kỳ diệu trở nên rất thật, và tạo nên một hy vọng để tôi đi tiếp trong cuộc đời.







Tôi là con gái cả của bố mẹ, và được bố đặt tên là Dawn - nghĩa là Bình Minh. Bố mẹ đều rất thương yêu tôi và đặt nhiều hy vọng vào tôi. Tôi học nói rất nhanh, biết hát và thường được bố khen là khéo chăm em.

Ngày đầu tiên đi học, tôi nhận ra mình có điều gì đó khác thường. Những bạn trong lớp mỗi ngày một bộ váy áo khác nhau, bạn nào cũng có hộp cơm trưa với bình nước giữ nhiệt cùng màu. Còn tôi không chỉ thiếu quần áo, mà trưa nào cũng chỉ có một cái bánh kẹp đựng trong túi giấy màu nâu và uống nước từ vòi nước miễn phí của nhà trường.

Tôi luôn nằm mơ thấy bố mẹ nhặt được vài tờ séc, rồi mua cho tôi một hộp thức ăn trưa màu hồng cùng với bình đựng nước giữ nhiệt. Thế rồi, đến năm lớp 2, tôi nhặt được tờ rơi mời gia nhập đội Hướng đạo sinh Brownie. Tôi thì muốn đến cực độ, còn mẹ cũng cố gắng đến cực độ để giải thích rằng mẹ không đủ tiền mua đồng phục cũng như đóng các chi phí khác.

Tôi nhìn bố cầu cứu. Nhưng bố tránh ánh mắt của tôi và bước ra ngoài. Bố không thích những chuyện "phù phiếm" như thế này, và cũng không tin vào điều kỳ diệu.
  
Bố kể về Giáng sinh năm bố 7 tuổi, bố đã lặng người khi lần đầu nhìn thấy ông già Noel. Ông ấy tung kẹo cho trẻ con, nhưng bố không cần kẹo. Bố chỉ muốn chạm vào cỗ xe ngựa của ông để chắc rằng mình không nằm mơ. Bố chạy nhanh hết mức tới gần, với tay chạm vào chiếc xe tuyệt đẹp và  thì... cốp! - bố thấy tay đau điếng.

Ông già Noel đập cả cái roi quất ngựa vào ngón tay bố. "Thằng nhóc, đừng có chạm vào xe!" - đó là những gì ông già Noel nói. Bố mất hết niềm tin vào mọi ước mơ trẻ con từ hồi đó. Khi tôi nghe câu chuyện này, tôi bật khóc, tại sao bố không nhận ra rằng đó không phải là ông già Noel thật sự.

Nhưng nếu những chuyện kỳ diệu có thật thì một cô bé nghèo như tôi cũng phải được gia nhập đội Brownie chứ?!

Cô giáo cô JoAn của tôi nhìn thấy tôi loanh quanh một mình đã lại gần hỏi chuyện. Tôi nói rằng tôi không có vấn đề gì cả, chỉ đang nghĩ tới ước mơ gia nhập đội Brownie.
   
- Nhưng mẹ em không đủ tiền mua đồng phục và đóng lệ phí - Tôi nói thêm - Em đang nghĩ xem có cách nào không.
   
Vài ngày sau, cô JoAn gọi tôi vào phòng giáo viên sau giờ học, và mỉm cười và đưa cho tôi một cái hộp. Tôi không thể tin vào mắt mình! Trong đó là một bộ đồng phục của đội Brownie! Đó là đồng phục cũ của cháu gái cô.

Thật kỳ lạ, bộ đồng phục vừa khít với tôi, rất đẹp và mềm mại. Vào khoảnh khắc đó, tôi biết thật sự có những điều kỳ diệu. Giá như bố từng học cô JoAn, hẳn bố sẽ tin vào những điều kỳ diệu.

Thế rồi đến ngày hội lớn của đội Brownie: bữa tiệc Cha-Con. Chỉ có những người bố mới được "tháp tùng" con gái mình tới dự. Mẹ đã tìm mua một cái máy khâu cũ với giá 5 đôla rồi may cho tôi một bộ váy rất đẹp, và cả một cái sơmi mới cho bố.

Trong bữa tiệc, tôi thấy bố tôi là ông bố "đẹp trai" nhất. Vào lúc tất cả mọi người đồng ca bài "Bố sẽ gọi con là Cô Con Gái Nhỏ", bố nhấc hẳn tôi đứng lên ghế và nói thầm với tôi: "Khi bố nhìn con, Bình Minh của bố, là bố tin vào những chuyện kỳ diệu". Tôi thấy rõ ràng có ánh nước lấp lánh trong mắt bố tôi.

Đó là những khoảnh khắc không thể quên. Lúc đó, chúng tôi không không nghèo, cũng không giàu, không thất thế, cũng không quyền lực, bởi vì những điều đó không hề quan trọng nữa. Chúng tôi đơn giản là Bố và Con gái, trải qua khoảnh khắc giàu có nhất trong cuộc sống của mình. Một khoảnh khắc mà những điều kỳ diệu trở nên rất thật, và tạo nên một hy vọng để tôi đi tiếp trong cuộc đời.

Dawn L. Billings
Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Một bên kính áp tròng

10:54 AM
hoahoctro.vn - Cuộc sống luôn có những sắp xếp kỳ lạ cho những người không bỏ cuộc.







Brenda rất thích môn leo núi. Một lần, cô được mời tham gia một cuộc leo núi tại một ngọn núi rất hiểm trở mà cô chưa bao giờ đặt chân tới. Một thử thách đáng để vượt qua.

Khi tới một mỏm đá có thể dừng lại nghỉ, Brenda loay hoay thế nào lại để sợi dây bảo hiểm đập vào mắt, và một bên kính áp tròng rơi ra.

Thế là đứng giữa lưng chừng núi, với cả trăm mét bên dưới và cả trăm mét bên trên, Brenda rơi vào tình thế khó xử: cô chẳng nhìn rõ cái gì hết. Tất nhiên, cô cố tìm khắp nơi, nhưng không thấy cái kính áp tròng đâu cả. Tất cả mọi thứ trở nên mờ mịt. Brenda hoảng sợ và tuyệt vọng. Mọi người đã trèo phía trước cô, nếu cô trèo xuống, đó sẽ là một điều nguy hiểm vì không ai ở dưới để giúp cô cả. Cô cũng không thể cứ đứng tại chỗ, vì không biết bao giờ mọi người mới trèo xuống. Mà nếu trèo tiếp, sẽ rất khó khăn vì cô có nhìn rõ cái gì đâu!

Cuối cùng, Brenda quyết định không bỏ cuộc. Cô cố gắng bám dây, trèo tiếp lên đỉnh núi. Mặc dù rất chậm, nhưng Brenda cũng tới được đích. Bạn bè xem hết quần áo và đồ dùng của cô, nhưng một bên kính áp tròng không dính vào đâu cả. Ai cũng lo lắng vì không biết làm sao Brenda trèo hàng trăm mét xuống khỏi núi được khi mắt không nhìn rõ. Brenda bắt đầu khóc. Cô đã leo núi nhiều lần, nhưng chưa lần nào khó khăn đến mức này.

Cả nhóm đốt lửa trại, và quyết định ngày mai trời sáng mới tìm cách đưa Brenda xuống núi. Mọi người không biết rằng cùng ngày hôm đó, có một nhóm leo núi khác cũng tới cùng ngọn núi đó, và leo sau nhóm của Brenda. Khi cả nhóm Brenda đang ngồi bên đống lửa, nhóm leo núi thứ hai lên tới nơi, và một trong số họ kêu lên:
  
 - Này, các bạn, có ai mất một chiếc kính áp tròng không?
  
Cuộc sống luôn có những sắp xếp kỳ lạ cho những người không bỏ cuộc.

                                    Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Giveaway of the Day -

System Requirements:
Publisher:
Homepage:
File Size:
Price:
..


4 Free On Internet

Followers