happy life why not
Cafe chiều thứ 7 - HHT Select - Some nice music - Some useful software - Some wisdoms - Some thoughts and more ... But what's the meaning of your life? What do you live for? What's the aim of your living? Do you have your own answer?

Một Cốc Trà

4:16 AM

Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn cốc nước tràn cho đến khi không nhịn được, bèn lên tiếng: "Nó đã đầy tràn rồi, không thêm được nữa đâu!"

"Thì cũng như chiếc cốc này" Nan-In thong thả nói, "ông đã mang đầy tư kiến và thành kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu ông không cạn cốc của ông?"

Read On 1 comments

Bài kệ cuối Cư Trần Lạc Đạo ...

3:10 AM

Bài kệ cuối Cư Trần Lạc Đạo, Ngài nói:


Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Read On 0 comments

Trong bài Xuân Vãn ...

2:08 AM

Trong bài Xuân Vãn, Ngài đã bày tỏ:


Thuở bé đâu từng rõ sắc không,
Xuân về rộn rã nức trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Ngồi lặng nhìn xem rụng cánh hồng.

Read On 0 comments

Trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca ...

1:05 AM

Trong đài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, một bản văn bằng chữ Nôm, Ngài đã bộc lộ:


Công danh chẳng trọng
Phú quý chẳng màng.
Tân Hán xưa kia,
Xem đà nhàn hạ.
Kiếm chốn dưỡng thân.
Khuất tịnh non cao,
Náu mình sơn dã
Vượn mừng hủ hỷ
Làm bạn cùng ta.
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả.
Rồi
Dốc chí tu hành,
Giấy sồi vó vá

Thân này chẳng quản,
Bữa đói bữa no.

Read On 0 comments

Một câu chuyện khó tin

9:18 AM
Viết bởi Lee Simonson - Thục Hân (dịch)

Bạn sẽ thấy câu chuyện này thật khó tin...

Vào năm 1999, cậu bé Kevin Stephan, 11 tuổi, thường đến sân bóng chày, nhặt gậy và bóng cho đội bóng chày của anh trai mình là Rob. Hôm ấy, Kevin lại gần sân tập hơn thường lệ để nhặt vài cây gậy. Thật không may, cậu bé đã ở sai chỗ, vào sai thời điểm, và bị đập rất mạnh bởi cú vung gậy của một cầu thủ không nhìn thấy cậu.

Kevin bất tỉnh. Những người chứng kiến kể lại rằng cậu bé ngã ngay về phía trước, mặt úp xuống đất.

Chỉ trong vòng vài giây, Penny Brown, một y tá tình cờ đi ngang và đang đứng xem đội bóng luyện tập, đã lao đến để giúp đỡ. Cô thấy Kevin bắt đầu tái xám lại và rõ ràng bị suy tim. Cô ấn mạnh vào ngực cậu bé nhưng không có kết quả. Ngay lập tức, cô thực hiện một số động tác sơ cứu dành cho tim phổi và Kevin bắt đầu thở trở lại. Cậu bé được đưa ngay vào bệnh viện và vài giờ sau đó đã được trở về với gia đình. Các bác sĩ nói rằng chỉ chậm một chút nữa thôi là Kevin không thể tỉnh lại được nữa.

Kevin trở về với cuộc sống bình thường. Cậu trở thành một đội viên hướng đạo sinh, rồi học ở trường trung học Lancaster (New York). Cùng lúc đó, cậu cũng trở thành một tình nguyện viên cho Đội Cứu hoả Bowmansville, New York.

Chỉ vừa mới gần đây, khi Kevin đang làm thêm việc rửa bát đĩa ở tiệm ăn Depew thì cậu chợt nghe tiếng vài người khách hoảng hốt hét to kêu cứu. Ông chủ tiệm ăn chạy ngay vào gọi Kevin giúp, vì ông biết cậu có một số kiến thức sơ cứu cần thiết - có một người phụ nữ bị nghẹn thở khi đang ăn.

Kevin chạy ngay ra phòng ăn. Cậu đứng phía sau người phụ nữ bị nghẹn và chỉ sau hai cú ấn mạnh vào vùng cơ hoành theo phương pháp Heimlich (phương pháp cấp cứu cho người bị ngạt), thức ăn bị nghẹn trong cổ được ấn bật ra và người phụ nữ bắt đầu thở được.

Kevin đã cứu được một người, nhưng không phải là một khách hàng xa lạ: cậu đã cứu Penny Brown - cô y tá đã cứu chính cậu 7 năm về trước, khi cậu bị cây gậy bóng chày đập vào ngực!

Câu chuyện này đã được đăng lên trang nhất của nhiều tờ báo ở New York. Penny Brown, cô y tá ở bệnh viên Buffalo, thì nói rằng "Tất cả thật khó tin, nhưng rõ ràng một điều tốt xứng đáng được đền đáp bằng một điều tốt".

Còn Kevin cũng không biết phải giải thích thế nào. Cậu chỉ nói đơn giản: "Có những điều kỳ diệu mà bạn không giải thích được".

Dù cả Kevin và cô Penny không muốn nổi tiếng vì những hành động của mình, nhưng họ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luôn sẵn sàng trong những tình huống khẩn cấp. Họ khuyến khích mọi người học các phương pháp sơ cứu đơn giản.

Trong thực tế, chỉ vài ngày sau khi cứu sống cô Penny, Kevin đã gọi điện cho người lính cứu hoả Dan Curtis ở đội cứu hoả mà cậu đang hoạt động tình nguyện để cảm ơn anh đã dạy cho cậu những kỹ năng sơ cứu hiệu quả. Cậu mới chỉ học được những kỹ năng đó trước ngày làm thêm ở tiệm ăn một thời gian ngắn!

Cả Kevin, Penny và Dan Curtis đều nhớ những "ngày kỳ diệu" đó, có lẽ là sẽ nhớ suốt cuộc đời. Và cũng có lẽ, đây là một trong những câu chuyện có thật đẹp đẽ nhất để làm bằng chứng cho lời khẳng định: mọi con người đều cần đến nhau.


Tác giả của bài viết này là: Lee Simonson - Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Đừng khinh những người không có bằng đại học

10:36 AM

“Đừng nên khinh khi những người không có bằng cấp vì họ cũng có những kĩ năng mà sách vở không hề dạy”, một nhà giáo người Canada đã nói như vậy trong bài cảm nghĩ dưới đây về một xã hội bằng cấp ở Trung Quốc.

Một tấm bằng thực chất cũng chỉ là một mảnh giấy... (Ảnh: Corbis)

Năm nay, Trung Quốc có hơn 10% học sinh tốt nghiệp trung học không tham dự kì thi tuyển sinh vào đại học.

Cơ hội vào đại học ở Trung Quốc hiện nay rất ít, tất cả các trường đại học trong nước cũng chỉ đáp ứng được chưa đến 3 triệu chỉ tiêu tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là, cứ 10 học sinh dự thi thì chỉ có 3 học sinh đỗ đại học và không phải bất cứ ai học đại học cũng sẽ lấy được tấm bằng sau 4 năm.

Một tấm bằng cử nhân thực chất cũng chỉ là một mảnh giấy, nhưng trong xã hội Trung Quốc thì sẽ ít cánh cửa mở ra cho những người không có một mảnh giấy như vậy. Nhiều bậc phụ huynh kì vọng con mình sẽ kiếm được một tấm bằng thậm chí khi chúng chưa chào đời.

Áp lực đè nặng lên vai những đứa trẻ ngay cả lúc chúng còn chưa đến trường. Học sinh phải xác định thi đại học ngay từ những năm đầu học phổ thông. Chúng không có lựa chọn nào khác, nhưng mọi thứ dường như bắt đầu thay đổi.

Phải chăng con người sẽ không có kiến thức hoặc không có khả năng làm việc nếu thiếu “mảnh giấy đó”? Xét cho cùng, một tấm bằng không thể phản ánh được tất cả những kĩ năng mà một người có thể có.

Những người không thể vượt qua kì thi tuyển sinh có phải là những người không có năng lực? Hoàn toàn không, vì đó không phải là vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề của xã hội: Không có đủ chỗ cho tất cả mọi học sinh theo học đại học.

Là một giáo viên phổ thông đã được 30 năm ở Canada, tôi gặp nhiều trường hợp các bậc phụ huynh đến nhờ tôi khuyên bảo con cái họ - những học sinh không thích học đại học. Thay vì nói chuyện với các em, tôi cố gắng hết sức để làm cho các bậc phụ huynh hiểu rằng nếu thế giới chỉ toàn những thiên tài thì nó sẽ không thể tồn tại được. Tôi cũng giải thích với họ rằng có nhiều loại tài năng và kĩ năng mà con cái họ có thể phát triển như đăng kí học các lớp kinh doanh hay học nghề, hoặc thậm chí là tự học.

Xã hội luôn rất cần những người thợ hàn, thợ nề khéo léo, lính cứu hỏa và các y tá, những doanh nhân và các thương gia. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, hay một số nơi khác trên thế giới, những kĩ năng này không được đào tạo trong các trường đại học. Một người có thể học chúng tại một cơ sở đào tạo kĩ thuật hay những lớp học ban đêm.

Người Trung Quốc ngày nay hiểu rằng, một con người không chỉ là một bộ não và một bộ não không chỉ là một cái túi chứa đầy tri thức từ sách vở, mà còn rất nhiều điều khác giới trẻ có thể học như công nghệ giày da và may mặc, ngành thủy lực hay đông lạnh, sửa chữa xe hơi, máy tính, trị liệu và xoa bóp, đầu bếp, làm trang trại và bác sĩ thú y, làm ca sĩ hay diễn viên…

Tôi có biết một nhân viên tiếp tân tự trang bị kiến thức cho mình. Cô tự học và nói tiếng Anh giỏi hơn bất cứ một sinh viên đại học chuyên ngành tiếng Anh nào khác nhưng cô lại không có cơ hội luyện nói. Với vốn kiến thức rộng lớn về thế giới tự trau dồi được, cô đã tham gia cuộc thi nói tiếng Anh và đạt giải cao nhất, vượt qua những ứng viên có bằng cấp.

Điều cần thay đổi ở đây chính là cách nghĩ của mọi người. Không thể nói rằng một người nào đó bất tài vì cô ta hay anh ta không có bằng đại học. Mọi người có thể dùng trí thông minh của mình để lao động tay chân.

Giá trị của xã hội nằm ở đâu khi bạn không thể tìm được một người thợ sửa xe giỏi có thể sửa chiếc xe máy cho bạn một cách dễ dàng, một người lái xe buýt thông minh hiểu rằng bạn đang muốn nói với anh ta điều gì, một người bán báo dạo luôn biết nội dung của những tờ báo và tạp chí mà anh ta bán…

Những giá trị đó có được từ sự đào tạo tốt - đôi khi là trong công việc - và hầu hết là vì mọi người vận dụng trí óc của mình một cách thiết thực.

Đừng nên khinh khi những người không có bằng cấp vì họ cũng có những kĩ năng mà sách vở không hề dạy. Kinh nghiệm của mỗi người có giá trị không kém một kho sách dày được học thuộc lòng.

  • Nhật Anh (Theo China Daily) - vietnamnet

Read On 1 comments

Bạn bè

10:07 AM
Viết bởi Thục Hân (dịch)

Một người đàn ông, sau khi qua đời, được gặp lại chú chó thân yêu của mình, đã qua đời trước ông rất nhiều năm. Ông thấy mình dẫn theo chú chó đi dọc theo con đường dài. Người đàn ông vừa đi chậm rãi vừa ngắm cảnh, tự hỏi con đường sẽ dẫn họ tới đâu...

Đi một lúc, họ tới một bức tường đá trắng rất cao, ở giữa có cổng vòm. Trông bức tường có vẻ được làm bằng loại đá quý, rất cẩn thận và trau chuốt. Nhìn qua cổng, người đàn ông ngạc nhiên khi thấy con đường dẫn vào bên trong dường như toàn bằng vàng lấp lánh. Ông dẫn chú chó lại gần cánh cổng, và thấy một người ngồi ở chiếc bàn ngay cạnh đó.

Ông tiến đến gần hơn, gọi to:

- Xin cho hỏi, chúng tôi đang ở đâu đây ạ?

- Đây là Thiên Đường, thưa ông - Người ngồi ở bàn đáp.

- Ôi... vậy liệu anh có một ít nước cho chúng tôi không?

- Tất nhiên là có, thưa ông. Mời ông vào, chúng tôi sẽ mang tới một ít nước mát ngay lập tức.

Người ngồi ở bàn đứng lên mở rộng cánh cổng.

- Bạn của tôi cũng có thể vào chứ? - Người đàn ông chỉ vào chú chó của mình.

- Xin lỗi ông, nhưng chúng tôi không nhận động vật.

Người đàn ông suy nghĩ một chút, rồi cảm ơn và dẫn chú chó quay trở ra.

Đi một lúc nữa, trên đỉnh một quả đồi xanh mướt, ông thấy một con đường nhỏ dẫn tới một cánh cổng đơn sơ như của một trang trại. Dường như cánh cổng chẳng bao giờ đóng, và cũng chẳng có hàng rào. Đến gần cánh cổng, ông nhìn thấy một người đang ngồi tựa vào gốc cây và đọc sách.

- Xin lỗi - Ông lại gọi to - Anh có chút nước không?

- Có chứ, có một vòi nước ở đằng kia kìa - Người đang đọc sách chỉ tay về một nơi phía bên trong cánh cổng - Anh cứ vào đây!

- Thế còn người bạn này của tôi thì sao? - Người đàn ông chỉ tay vào chú chó.

- Có một cái gáo ở cạnh vòi nước đấy, anh có thể hứng vào đó cho nó uống.

Người đàn ông dẫn chú chó qua cổng, và nhìn thấy một vòi nước với chiếc gáo bên cạnh. Ông uống nước, rồi đổ đầy nước vào gáo cho chú chó uống.

Xong xuôi, ông dẫn chú chó quay lại chỗ người đang ngồi đọc sách.

- Anh cho tôi biết đây là đâu vậy? - Ông hỏi.

- Đây là Thiên Đường - Người đó trả lời.

- Lạ thật - Người đàn ông băn khoăn - Phía dưới con đường kia cũng có người bảo đó là Thiên Đường.

- A, anh nói đến cái chỗ có cổng vòm và con đường lát vàng phải không? Không đâu, đó là Địa Ngục.

- Vậy chẳng lẽ các anh ở đây không cảm thấy khó chịu vì họ cũng sử dụng tên "Thiên Đường" của các anh sao?

- Không hề - Người đang đọc sách trả lời - Chúng tôi còn mừng là đằng khác, vì chính họ đã lọc giúp chúng tôi những người sẵn sàng bỏ bạn thân của mình trong lúc khó khăn.

Tác giả của bài viết này là: Thục Hân (dịch)


Read On 0 comments

Phần thưởng

8:42 AM
Viết bởi Thục Hân (Dịch)

Tôi chạy ríu cả chân vào phòng họp dành cho người nhà của các em hướng đạo sinh tình nguyện. Tôi chạy xuống tận cuối phòng, chọn một chỗ trong góc, và để ý thấy hàng loạt ghế trống. “ít nhất thì mình cũng không phải là người duy nhất đến muộn” - Tôi tự nhủ, thở phào nhẹ nhõm.

Chẳng là mùa hè, trường em trai tôi tổ chức nhóm hướng đạo sinh tình nguyện tên là “Những chú gấu con”. “Những chú gấu con” sẽ hoạt động ngoại khoá chung với các bạn nghèo và khuyết tật. Nếu người nhà của em hướng đạo sinh nào tham gia để quản lý các em luôn thì càng tốt. Và tôi, trong lúc suy nghĩ nông nổi, đã đăng ký tham gia, với tư cách là anh trai của Chris.

Thầy phụ trách nhìn đồng hồ, với một tiếng thở dài khá rõ, thầy bắt đầu cuộc họp. Tôi bắt đầu đếm, chỉ có 5-6 “người nhà tình nguyện” đến dự, trong khi có tới 50 em hướng đạo sinh. Thầy chỉ vào những chiếc ghế trống, và nói đó là khó khăn lớn nhất của hoạt động tình nguyện. Rõ ràng, không nhiều người sẵn sàng “hy sinh” các tối thứ ba hàng tuần trong suốt 3 tháng hè chỉ để loanh quanh với toàn trẻ con.

Trước khi kịp suy nghĩ gì thêm, tôi giơ tay xin tham gia tình nguyện, hướng dẫn và giúp đỡ “Những chú gấu con”, dù tôi gần như không biết gì về việc dạy dỗ một nhóm trẻ con lớp 2 ồn ào và hiếu động.


Buổi “hoạt động tình nguyện” đầu tiên của tôi hỗn độn và ầm ỹ chẳng khác gì ngày đầu tiên của một hội chợ triển lãm. Không đứa trẻ nào chịu ngồi yên nghe gì cả. Chúng cũng không có hứng thú ngồi xem tôi dạy gấp giấy. Chúng chạy và ngã, bẩn hết quần áo - rồi tôi sẽ biết nói thế nào với bố mẹ chúng khi họ đến đón chúng đây?


“Mình đang tự trói mình vào cái gì thế này?” - Tôi tự hỏi, trong đầu đã thảo ra một... lá đơn từ chức.


Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, dường như những đứa trẻ tự chúng đã thấy vui, chẳng cần tôi làm gì cả. Chúng tự bày trò chia đội đấu vật. Em trai tôi rất tự hào vì có anh trai là “người quản lý” - và điều đó giúp cho nó có quyền được “đặt luật lệ” trong các trò chơi. Thật không ngờ tôi lại “có uy” đến như vậy.


Khi tôi đi dọc theo sân trường, hiếm khi có một cô bé hay cậu bé nhìn thấy tôi mà không chào. Hoặc chạy ra nắm tay tôi một cái, hoặc kể một câu chuyện lặt vặt nào đó, như là mới nhổ một cái răng, phép tính cộng quá khó, có đứa em ăn quá nhiều, hay một chiến thắng vẻ vang của ngày hôm qua khi chơi PlayStation. Tôi sẽ vuốt tóc, vỗ vai chúng, hỏi vài câu và nghe chúng trả lời, trước khi chúng lại chạy vụt đi cùng đám bạn.


Nhìn những cậu bé, cô bé chơi trên sân, giàu nghèo không phân biệt, có khuyết tật hay không cũng hoà đồng như nhau, tôi nghĩ tới những chiếc ghế trống trong buổi họp và những người chưa bao giờ biết niềm vui của hoạt động này - những người chưa nhận được những cái ôm vội vã của một cô bé tay còn cầm kẹo, hoặc chưa nhìn thấy một nụ cười thiếu răng của một cậu bé nghịch ngợm. Nói cho cùng, tôi tặng cho những em bé chỉ một tiếng mỗi tuần, nhưng chúng dùng cả trái tim để làm phần thưởng cho tôi.


Tác giả của bài viết này là: Thục Hân (Dịch)


Read On 0 comments

“Bố già”

8:35 AM
Viết bởi Thu Hà Khi tôi 6 tuổi và bị bọn bạn trọc “Lêu lêu, con của Bố Già!” (tên lóng dành cho trùm Mafia), tôi đã huỳnh huỵch về nhà với bố tôi, 62 tuổi, với mái tóc bạc nhiều, da mặt đầy nếp nhăn và đồi mồi. Và mắt bố đã mở to khi nghe tôi mách xong: “Thế a? Bố cứ tưởng mình phải được kêu là bố cực già cơ!”

Bố tôi mắc bệnh tim từ hồi trẻ. Về già, bệnh này dẫn tới bệnh khớp dai dẳng. Những hôm thời tiết thay đổi, bố mệt nằm trên giường, mẹ đi chợ bảo tôi ở nhà trông bố. Thấy tôi cuồng tay cuồng chân, bố bảo cứ đichơi, bố ở nhà một mình cũng được. Thế là tôi vô tư chạy nhảy. Khi về bị mẹ mắng vì tội vô tâm, nhỡ bố có chuyện gì xảy ra thì sao, tôi khóc rấm rứt. Mẹ còn mắng cả bố vì tội thương con… kì cục. Sau bố gọi tôi lại gần, xoa đầu: “Bố xin lỗi, bố chưa kịp nói với mẹ rằng bố đã cho phép con đi!” Nghe giọng bố yếu ớt, tôi càng oà khóc to hơn, vì thương bố hơn chứ dỗi hờn gì nữa.

Còn khi bố khoẻ, bố hay đi tập thể dục với tôi ở công viên gần nhà, nơi này có nhiều cây to, như một khu rừng bí ẩn. ở đây, bố tôi dạy tôi đánh cầu lông. Tôi cầm vợt đánh mãi mà không trúng, toàn đập vào đất, vào đầu mình. Tôi phụng phịu quẳng vợt đi. Bố nhặt lại chiếc vợt đưa tôi bảo: “Con đã đánh trúng được đất, được đầu thì cũng đánh trúng cầu được mà.” Rồi bố dạy lại tôi cách nắm tay vợt, vươn tay. Sau vô số lần phải chạy khắp nơi để nhặt những quả cầu rơi tứ tung do tôi đánh, rốt cuộc bố cũng có thể gạt mồ hôi mỉm cười khi thấy tôi hò reo, lúc chúng tôi chuyền với nhau 30 lượt cầu liền mới rơi xuống đất.

Công viên cũng là nơi tôi tập đạp xe hai bánh. Tôi ú ớ đạp những vòng xe đầu tiên. Chiếc xe chao đảo rồi bỗng nhiên vững lại, tôi ngoái lại, bố giữ lấy yên xe và đi sau xe: “Có bố đây rồi. Không ngã được đâu!”. Thế là tôi cười, yên tâm đạp tiếp. Rồi khi đã đi quen, tôi sung sướng ngoái lại định kêu bố bỏ tay ra đừng chạy theo nữa cho đỡ mệt, thì đã thấy bố đang vẫy tay cười với tôi từ lúc nào: “Bác giỏi quá! Chúc bác đi xa may mắn! Không cần mang quà về cho tôi đâu!”


***

Năm tôi 17 tuổi, bố tôi bị tai biến mạch máu não. Sau đó, bố bị liệt chân và mắc phải chứng quên. Cả nhà cố gắng hết sức giúp bố hồi
phục trí nhớ, nào là kể lại những chuyện cũ, nấu các món ăn ông thích, hay đưa ông đi gặp bạn bè… Nhưng đã nửa năm rồi, ông vẫn không chắp ghép nổi những dữ liệu đó để nhận ra mình là ai.


Hôm nay sinh nhật bố, tôi trở bố ra ngoài công viên đi dạo. Tôi nhắc lại một số kỉ niệm như bố từng đánh cầu lông, đi xe… nhưng ông
chẳng phản ứng gì.


- Hôm nay là sinh nhật bố đấy bố ạ!- Tôi bảo. Trên xe đẩy, bố tôi vẫn bất động cúi đầu trong bóng chiều ngày càng sẫm lại. Đó là lúc tôi tuyệt vọng nhất, tôi nắm tay nhìn bố thở dài:


- Làm thế nào con chữa khỏi cho bố đây?


Bỗng ông ngẩng lên, nhìn quanh những thân cây to một lúc, chăm chú. Rồi ông chỉ vào một gốc cây sồi phía khuất xa:


- Kho báu! Kho báu! - Ông kêu lên.


- Kho báu nào hả bố?- Tôi ngơ ngác.


- Đào lên, đào lên! – Ông lại nói.


Tôi ngạc nhiên bước đến cái cây bố chỉ và đào lên. Chỉ do sâu một chút là tôi đã thấy một chiếc huy hiệu hình ngôi sao bằng nhôm. Bây
giờ tôi mới nhớ ra, đó là món quà sinh nhật đầu tiên hồi 5 tuổi tôi từng nhận được từ anh họ tôi. Tôi rất quí nó, từng coi là kho báu vô giá. Khi quyết chôn nó, tôi đã nói: “Khi nào bố ốm nữa con sẽ đào kho báu huy hiệu này lên, bán đi để chữa bệnh bố nhé” làm bố vừa dáo dác tìm tôi trong công viên cũng phải bật cười ha ha. Nhưng sau đó, tôi đã quên mất chỗ chôn dấu, và cứ tưởng đã làm mất kho báu của mình vĩnh viễn. Nhưng bố tôi thì không.



Nước mắt ướt đầm trên má, tôi vừa cười, vừa chạy, vừa vẫy bố với chiếc huy hiệu trên tay. Mắt bố bỗng sáng ngời, bố tôi đã nhớ lại
tất cả mọi chuyện theo một cách lạ thường như vậy đấy.



Tác giả của bài viết này là: Thu Hà
Read On 1 comments

Diễn viên xiếc rong

12:59 PM
Viết bởi Huyền Khôi Buổi chiều xế, tụi trẻ con lẻn vào bên trong nhà lồng chợ chơi trốn tìm giữa các sạp hàng. Một lần chậm chân, tui bị ông bảo vệ khóa lối ra, nhốt lại trong nhà lồng chợ. Phát hoảng, tui đứng gào thét một chặp rồi gục xuống, khóc.

Thình lình, một bàn tay đụng nhẹ vào lưng. Quay phắt lại, tui nhìn thấy một gương mặt ốm nhắt, nó nói: “Đi theo tao!”. Tim nện thình thịch, tui đành bước theo thằng nhóc thấp nhỏ. Tới cuối nhà lồng, nó gạt đống vải bạt. Hiện ra lối thông nước đủ một đứa nhỏ chui lọt. Nó tuồn trước, như một con lươn. Tui quýnh quáng mắc kẹt. Rất khó khăn, nó mới kéo được tui ra. Thoát hiểm, tui tính co giò chạy. Nhanh như cắt, thằng nhóc kia túm tui lại: “Trả tiền công, mầy!” “Không trả thì sao!”- Tui sửng cồ. Chưa kịp chớp mắt, tui đã thấy mình té chổng vó trên vỉa hè, bụng bị bàn chân đè lên. Móc hết tiền lẻ đưa cho thằng nhóc, tui mới được thả.


Rồi tui cũng quên thằng nhỏ kỳ quái sống lụi trong nhà lồng chợ. Một trưa hè, phố bỗng rùm beng tiếng trống, tiếng chập chõa. Tụi trẻ con rồng rắn chạy theo gánh xiếc nhỏ dựng rạp diễn trước cổng chợ. Vé bán rẻ bèo nên ai cũng vào coi được. Bỗng dưng tui sững lại. Trong dàn diễn viên ra múa võ chào sân, có một thằng thấp tí, đứng ngay đầu, múa nguều ngoào. Chính là thằng nhỏ sống lụi trong chợ, tên nó rất kêu- Hoàng Diệc. Sau mấy trò tung hứng, xiếc chó, xiếc khỉ lấy tiếng cười rộn rã, tới màn diễn của nhà ảo thuật. Thằng Diệc chui vào cái hộp, chỉ ló đầu ra. Nhà ảo thuật liên tục xuyên hàng chục cây kiếm qua vỏ thùng. Khán giả lặng re, dựng tóc gáy. Nhưng Hoàng Diệc vẫn không sao, lại còn gục gặc đầu, xoay tứ phía, mỉm cười. Lúc nó chui ra bình an vô sự, tiếng vỗ tay ran lên.


Tiết mục đinh của gánh xiếc là trò dựng tháp ghế. Những cái ghế gỗ lần lượt gá một chân chồng lên nhau. Mỗi tầng, có một diễn viên đu người mấp mé. Ông chủ gánh hét lớn khi Hoàng Diệc cuối cùng trồng chuối thành công trên đỉnh tháp. Diễn viên nhí chẳng mang sợi dây bảo hiểm nào. Bỗng đỉnh ngọn tháp đổ nghiêng. ầm… ầm… Thằng diễn viên xiếc nhí đã ngã đụi xuống đất. Tui nghẹt thở. Khán giả hoảng hốt. Ông chủ gánh hét váng lên trong micro: “Nghệ sĩ nhỏ nhứt của tui gặp nạn rồi, bà con ơi!”. Nhiều người thương cảm vội vã chạy lên sạp, nhét tiền vào túi áo thằng nhỏ đang nằm còng queo. Thế nhưng, khi mọi người về hết, Hoàng Diệc lồm cồm ngồi dậy. Nó móc số tiền người ta cho ra vuốt thẳng, đếm, bình thản. Tui nép bên cánh hông cửa chợ, run lên vì kinh hãi.


Chiều tối, tui trốn lại trong nhà lồng chợ. Chẳng khó khăn gì, tui kiếm ra thằng diễn viên xiếc. Nó bó gối trên sạp bán trái cây. “Hoàng Diệc nè!” Nó nhận ra tôi: “Gọi tao là Diệc. Tên kia chỉ gọi khi diễn thôi!” Tui tò mò: “Mầy té đau hôn?” Nó lắc: “Đau gì đâu. Bữa nào tao cũng chơi một cú vậy. Quen rồi…”


Tui và thằng Diệc đánh bạn với nhau từ buổi chiều hôm đó. Nhà ở quê nghèo quá, Diệc theo gánh xiếc, chỉ được nuôi ăn. Nếu dám liều té thì nó mới có tiền gởi về cho má, nuôi nhỏ em bị bịnh. Nó nói với tui: “Đừng giận bữa hổm tao lấy tiền của mầy nghen. Đợt đó nhà tao thiếu quá, tao lỡ làm càn…” Tui nín thinh, chẳng biết nói gì. Chỉ nghĩ có một người bằng tuổi mình ngày nào cũng té để nuôi má và em, tui muốn rớt nước mắt./.

Tác giả của bài viết này là: Huyền Khôi
Read On 0 comments

PHÉP MÀU GIÁ BAO NHIÊU?

11:55 AM
Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.
Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.

Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.

Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”

Cô bé trả lời: “Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”

- Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.

- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?

- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?

Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”

- Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”

- Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”

Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.

Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ.
Read On 1 comments

The Venerable Master composed a verse expressing his principles:

10:54 AM
The Venerable Master composed a verse expressing his principles:
Freezing to death, we do not scheme.
Starving to death, we do not beg.
Dying of poverty, we ask for nothing.
According with conditions, we do not change.
Not changing, we accord with conditions.
We adhere firmly to our three great principles.

We renounce our lives to do the Buddha's work.
We take the responsibility to mold our own destinies.
We rectify our lives as the Sangha's work.
Encountering specific matters,
we understand the principles.
Understanding the principles,
we apply them in specific matters.
We carry on the single pulse of the patriarchs'
mind-transmission.
From the time he left the home-life, the Venerable Master firmly maintained the six great principles - do not fight, do not be greedy, do not seek, do not be selfish, do not pursue personal advantage, and do not lie - bringing benefit to the multitudes.
Read On 0 comments

Tâm Đá

12:19 PM

Hogen, một Thiền sư Trung hoa, sống ở một ngôi chùa nhỏ trong làng. Một ngày kia có bốn nhà sư du hành xuất hiện và hỏi nếu họ có thể nhóm lửa ở trước sân để sưởi ấm.

Trong khi nhóm lửa, Hogen nghe bọỉn họ bàn luận đến chủ quan và khách quan. Ngài tham gia vào và nói: "Có một tảng đá lớn. Quý vị xem nó ở trong hay ở ngoài tâm của quý vị?"

Một vị tăng trả lời: "Theo Phật pháp thì mọi sự vật đều là biến thái của tâm, tôi có thể bảo rằng tảng đá ở trong tâm tôi."

"Vậy thì đầu của ngài phải nặng lắm," Hogen quan sát, "nếu ngài phải mang mãi tảng đá như thế trong tâm."
Read On 0 comments

Hai bát mì bò

5:30 AM
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh...

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ... ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Read On 0 comments

Vì sao bạn là người giàu có?

9:21 AM
Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:

- Chàng trai, sau trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?

- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. - Chàng trai buồn bã nói.

- Nghèo ư, cháu là một người giàu có đấy chứ.

- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.

- Giả như ta chặt một ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng vàng, cháu có đồng ý không?

- Không ạ.

- Giả như ta chặt của cháu một bàn tay, ta trả cháu 30 đồng vàng, cháu đồng ý không?

- Không bao giờ.

- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng vàng, cháu thấy thế nào?

- Cũng không được.

- Vậy, ta trả cháu 3.000 đồng vàng để cháu trở thành một ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?

- Đương nhiên là không.

- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?

- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không hiểu thực ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác
. Bạn hãy xem:

- Nếu sáng nay tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.

- Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã may mắn hơn 500 triệu người trên trái đất.

- Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu, thì bạn đã hạnh phúc hơn biết bao người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.

- Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu có trên thế giới.

- Nếu bố mẹ bạn vẫn còn sống và vẫn sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.

- Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà cũng không được.

- Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được dựa vào bờ vai của họ để nói lên tâm sự của mình, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều những người không bao giờ nhận được tình yêu từ người khác.

- Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên trái đất này.

Sau khi đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười: “Hóa ra, mình cũng là một người giàu có.”
Read On 0 comments

Chúng ta nghèo đến mức nào

10:19 AM
Một hôm, tại một gia đình giàu có, người cha quyết định đưa con trai mình tới một vài nơi ở ngoại thành, để xem mọi người nhất là nông dân có thể nghèo đến mức nào.

Họ đến vùng ngoại ô yên bình và trả một ít tiền để thuê nhà trọ của một người nông dân, mà người cha cho rằng thuộc số những người nghèo nhất xã hội.

Khi về đến nhà, người cha hỏi:
-Bây giờ con có thể hình dung ra rằng một con người có thể nghèo đến mức nào rồi chứ?
-Vâng ạ

-Thế con học được gì từ chuyến đi?

-Có ạ!_ người con đáp

_ Con nhìn thấy rằng chúng ta có một con thú cưng, còn họ thì có nhiều chó, lợn, gà thật vui vẻ.

Chúng ta có một bể bơi nhỏ xíu trong vườn, còn họ thì có cả dòng suối, song thật lớn.

Chúng ta phải trả tiền để mua đèn trong nhà, còn họ có cả một bầu trời sao vào buổi tối.

Chúng ta xây sân trong chỉ vỏn vẹn trước nhà, còn họ có cả một chân trời.

Chúng ta có một mảnh đất nhỏ để xây nhà mà sống, còn họ có những cánh đồng rộng mênh mông.

Chúng ta phải mua rau và cây cảnh, còn họ tự trồng được.

Chúng ta phải xây những bức tường bao quanh tài sản của chúng ta để bảo vệ chúng ta, còn họ có những người bạn bảo vệ nhau.


-Cảm ơn cha đã cho con thấy chúng ta nghèo đến mức nào!
Read On 0 comments

Câu chuyện bát mì

11:12 AM
Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.


o O o


Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

- Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.

Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

- Cho một bát mì.

Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.

- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

- Cho một bát mì.

Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:

- Vâng, một bát mì!

Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?

- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"

Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

- Thơm quá!

- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!

- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.

- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.

Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?

- Được chứ, mời ngồi bên này!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".

- Vâng, hai bát mì. Có ngay.

Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.

Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.

Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!

- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.

- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!

- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

- Có thật thế không? Sau đó ra sao?

- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn". Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"

Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."

Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:

- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.

Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

"Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.

Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:

- Các vị... các vị là...

Một trong hai thanh niên tiếp lời:

- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!

Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

- Có ngay. Ba bát mì.
Read On 0 comments

Một câu nói dịu dàng

10:47 AM
Adlai Albert Esteb

Đây là câu chuyện mà tôi được một nhà tỷ phú kể cho nghe.

"Nhiều năm về trước, có một cậu bé mồ côi tên Jim, 12 tuổi, gầy gò. Jim sống lang thang, là đầu mối của mọi trò cười và trêu chọc của mọi người sống trong thị trấn. Không ai đối xử tử tế với Jim. Những nghi ngờ của mọi vụ ăn cắp hay rắc rối đều có tên Jim đầu tiên. Cậu chỉ nhận được những lời nói cay độc, nghi ngờ. Kết quả là Jim luôn lẫn tránh những người xung quanh. Cậu càng lẫn tránh, người ta càng nghi ngờ cậu.

Tài sản duy nhất của Jim là chú chó Tige, cũng luôn khép nép và lẫn tránh mọi người như chủ nó. Jim không đối xử thô lỗ với Tige nhưng cậu cũng luôn dùng thứ ngôn ngữ cay độc mà mọi người dùng với cậu. Phần vì cậu đã quen với những ngôn ngữ đó, phần vì để trút đi mọi nỗi uất ức.

Một hôm, Jim thấy cô gái phía trước làm rơi một gói nhỏ. Cô cúi xuống nhặt thì một gói khác lại rơi khỏi tay. Jim chạy đến, nhặt hai cái gói lên đưa trả cô gái.

- Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt - Cô gái cười và xoa đầu Jim.

Jim hoàn toàn sốc. Đó là những lời nói tử tế đầu tiên cậu nghe thấy trong suốt 12 năm. Jim nhìn theo cô gái cho đến khi cô đi khuất.

... Jim huýt sáo gọi Tige, con chó ve vẩy đuôi chạy tới bên. Cả chủ và chó đi vào rừng... Jim ngồi xuống cạnh bờ suối và trong đầu cứ vang lên: "Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt!"... Jim cười một mình. Rồi cậu gọi: "Đến đây Tige!". Tige chạy lại ngay, Jim xoa đầu nó và nói: "Cảm ơn mày! Mày thật là tốt!".

Tige rất phấn kích và ngạc nhiên. Tai nó vểnh lên, mắt hướng về phía Jim chăm chú, đuôi vẩy lia lịa. "Đến con chó cũng thích nghe nói dịu dàng!". Jim nghĩ và lôi trong túi ra một mảnh gương vỡ. Cậu bé thấy một khuôn mặt lấm lem. Jim rửa mặt thật cẩn thận. Sau đó, Jim lại nhìn vào gương. Cậu bé ngạc nhiên. Lần đầu tiên, cậu nhìn lên cao thay vì chỉ cúi mặt như mọi khi. Một cảm giác, cũng là lần đầu tiên cậu cảm thấy: cảm giác tự trọng.

Từ khoảng khắc đó, cuộc đời Jim hoàn toàn thay đổi bởi quyết tâm để xứng đáng với những lời nói dịu dàng".

Ngưng một lát, nhà tỷ phú tiếp tục nói: "Thưa các bạn, tôi chính là cậu bé đó. Thị trấn nhỏ mà tôi vừa kể đến chính là thành phố này 40 năm về trước. Cái cây ở đằng kia mà quý vị có thể thấy chính là nơi một người phụ nữ đã gieo hạt giống đầu tiên của lòng nhân hậu xuống cuộc đời tôi. Mong sao ai cũng có thể làm được như thế".
Read On 1 comments

Phép màu của bà Chín

12:42 PM
Viết bởi Lê Minh Phát Trong xóm chợ, nhà nhỏ Hiếu đối diện nhà tui. Má nó mất sớm, ba đi lấy vợ khác, nó sống với bà ngoại. Hai bà cháu nghèo xơ nuôi nhau. ở chợ, sạp hàng của bà Chín ai cũng biết. Lâu lâu, có người bán dạo ở đâu tới ké một bên góc sạp, xin bày ké đồ nhựa hay quần áo đổ xôn một buổi, bà Chín vác chổi chà rượt chạy rớt dép. Khách mua trái cây mà lựa lên lựa xuống, trả giá kèo nài, bà Chín cạnh khóe nhức óc. Cũng hệt như ngoại nó, nhỏ Hiếu chưa bao giờ chịu thua ai một li. Nó cân hàng, đếm trái cây, tính tiền nhanh như chớp. Lúc cần, nó cũng chống nạnh cãi, ngoác miệng vã ra trò.

Bỗng dưng tháng trước, nhỏ Hiếu mon men qua gặp má tui, xin phụ rửa chén. Má tui bán canh bún, tiền lời chẳng bao nhiêu, mướn thêm người rửa chén làm gì. Thế nhưng nhỏ Hiếu chắc cú: “Thím cứ mướn con đi. Thím trả bao nhiêu cũng được!”. Má tui cười: “Trả bằng canh bún được không?”. Má tui nói chơi, vậy mà nhỏ Hiếu gật đầu cái rụp: “Dạ, cũng được.
Bữa sáng và bữa trưa luôn, được hông thím?”. Vậy là má tui đành phải nhận nhỏ Hiếu qua làm.


Nhỏ Hiếu rửa chén bát sạch bong. Giúp má tui dẹp hàng, mình Hiếu xách cái bàn gỗ hay cái nồi nước lèo vô nhà, nhẹ tưng. Lạ là cái tính hung dữ của nó cũng biến đâu mất tiêu. Mấy lần má tui quạu chuyện gì đó, trách rầy nó. Tưởng con nhỏ sẽ trả treo, ai dè nó im ru.


Chỉ có điều, làm ở nhà tui nhưng hồn vía nhỏ Hiếu vẫn gửi tuốt bên sạp hàng trái cây của bà Chín. Hễ thấy khách tới sạp, là nó buông hết, băng ngay qua bên kia, bán xong mới quay lại. Tới giờ cơm, nó ăn quấy quá mấy miếng, rồi chạy về lo cho ngoại. Má tui ngạc nhiên: “Bà Chín canh hàng được rồi, mắc chi con phải chạy tới chạy lui vậy Hiếu?”. Nó làm như không nghe hỏi, cắm cúi rửa chén tiếp.


Làm việc bên nhà tui chưa đủ, nó còn xin rửa ly chè buổi tối ở hàng chè cốc-tai đầu chợ. Trong chợ đồn rằng Hiếu còn nhỏ mà đã có tính ham tiền. Phải ham tiền lắm thì mới làm việc quên chết như vậy chớ.


Dần dần, người trong xóm chợ nhận ra bà Chín dạo này... hiền hẳn. Bà bớt phần càu nhàu với khách. Mấy đứa nhỏ bán hàng rong bày lềnh khênh móc chìa khóa, mũ nón đổ đống ngay trước sạp trái cây, bà cũng không cự nự như trước. Bà thường ngồi khuất trong nhà, ít ra ngoài. Còn nhỏ Hiếu, nhiều bữa tui bắt gặp nó ngồi thẫn thờ, ngó đâu đâu.




Hôm rồi, má gọi nhỏ Hiếu vô, đưa cho nó tiền công tháng đầu. Nó tròn mắt: “Thím trả tiền cho con thiệt sao?”. Má tui hứ một phát: “Bộ mi tưởng tao chỉ trả công bằng mấy chén bún thôi hả. Nhưng nè, khai thiệt đi, mi kiếm tiền lo chuyện chi?”. Con nhỏ cúi gằm mặt, hai má bỗng ướt nước: “Ngoại con bị mù thiệt rồi. Hồi năm ngoái còn thấy mờ mờ. Bây giờ thì chẳng còn nhìn được chi nữa. Con ráng làm nhiều, để dành tiền, đưa ngoại đi bác sĩ mổ mắt, thím ơi…”


Má tui đi vận động các cô bác trong chợ cùng đóng góp tiền đưa bà Chín đi mổ thủy tinh thể. Nhỏ Hiếu mừng đến nỗi chẳng biết nói gì, cứ vịn tay ngoại nó, rồi mếu. Hôm bà Chín được tháo băng, người trong chợ xô qua thăm. Bà Chín nắm tay từng người, nhắc đi nhắc lại: “Cảm ơn cô bác nhiều. Giống như tui được ban phép màu vậy…”. Má tui cười: “Không, phép màu của bà Chín chính là nhỏ Hiếu đó!”.

Tác giả của bài viết này là: Lê Minh Phát
Read On 0 comments

Xe của ba

12:27 PM
Viết bởi Thuỳ Hân Sáng, trời còn tối thui, chiếc xe máy cải tiến thành ba bánh nổ phành phạch khi ba tôi chở má lên chợ đầu mối, lấy rau củ về bán ở chợ gần nhà. Quãng 6 giờ thì một mình ba quay về, đồ ăn sáng cho anh em tôi máng toòng teng hai bên tay lái. Hôm thì gói xôi, ổ bánh mì thịt, cốm dẹp trộn dừa nạo... Hai anh em tôi tranh nhau ăn uống ngon lành, ba chỉ dám uống một ly cà phê nhỏ xíu. Sau cữ cà phê, ba dọn ra trước cổng can xăng nhỏ, ống bơm và cái thùng đựng đồ lề sửa xe.
Tiệm nhỏ nhà tôi luôn đông khách. Phần bởi ba tôi làm gì cũng khéo léo, cẩn thận. Phần bởi đôi chân ba bị liệt, teo tóp dấu sau ống quần phất phơ, ai thấy cách ba tôi di chuyển bằng hai bàn tay to bè xương xẩu cũng đều ngạc nhiên, thương cảm.

Hai anh em tôi học cùng trường. Trường khá xa, phải băng qua hai ngã tư đông đúc. Một lần, anh tôi bị xe tông văng lên vỉa hè. Nghe báo tin, không kịp quơ cây nạng, ba vội vã đi luôn bằng tay. Ra tới nơi, ba vắt anh tôi lên vai, khẽ dỗ tôi nín. Hồi đó mới 7 tuổi, nhưng ôm hai cái cặp xách bước lót tót trên lề đường, tôi thấy mình đã cao gần bằng ba rồi.

Với mấy tấm tôn vụn xin được, ba gò một cái thùng xe nhỏ, gắn thêm hai bánh nối vào đuôi cái xe máy. Sáng, hai đứa phổng mũi ngồi trong thùng xe, ba đưa tới tận cổng trường. Tụi trẻ con trong xóm rướn cổ ngó theo, thèm muốn.

Buổi trưa tan học. Từ xa, anh em tôi đã nhận ra cái thùng nhôm sáng lấp loá, nổi lên trong đám đông xe cộ. Có hôm trời mưa, lại gặp đoạn đường bị đào lên, mấp mô ổ gà. Con ốc vặn nối giữa yên sau và cái thùng xe bằng tôn lờn ra lúc nào không biết. Lúc xe chạy lên dốc cầu, thình lình nó bung hẳn. Cái thùng trôi về phía sau, hai anh em tôi bị tuột xuống mặt đường. Tiếng phanh gấp rít lên, ba tôi vội vã nhảy xuống. Mãi sau này, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh lòng bàn tay ba rớm máu vì đá dăm sắc nhọn, ráng sức nâng anh em tôi đứng dậy, nối lại thùng xe, cái áo mưa cánh dơi nón lật ra sau, bay phần phật trước gió.

Hai anh em lớn lên. Anh tôi được mua cái xe đạp, tự chạy đi học. Hôm tôi đậu vô lớp 10, mặc áo dài, ba hết sức vui vẻ: “Trường xa lắm đó. Để ba chở con nghe!”. Tôi vặn ngón tay, lúng búng: “Con tự đi một mình được, ba à!”. Sáng khai giảng, tôi dậy sớm, khẽ mở cửa, đi bộ tới trường. Trưa, tôi đi chung xe với bạn về nhà. Tôi bắt đứa bạn mới dừng đầu ngõ,
để nó khỏi thấy ba tôi.

Rồi ba lặng lẽ dẹp tiệm sửa xe trước nhà. Cái thùng tôn sau xe máy cũng bị gỡ ra, xếp xó. Ba xoay qua nghề thợ bạc. Có một nhà thiết kế nhờ ba tôi chế tác bộ nữ trang mới. Bộ mẫu đem dự thi được giải nhất. Buổi trưa nọ, có anh phóng viên tới kiếm, xin phỏng vấn viết bài. Ba ngồi trò chuyện, nhưng đến vụ chụp hình thì nhất định từ chối. Tôi nép sau cửa, nghe ba nói nhẹ nhàng: “Tôi đâu ngại cái chân mình xấu xí. Nhưng thôi, để cho con cái mình chơi với bạn bè khỏi mặc cảm, nhà báo à…”

Tôi chạy vụt ra khoảnh sân sau. ở đó, cái thùng tôn bị tháo rời vẫn lấp lánh dưới mặt trời. Tôi trèo vào ngồi co ro trong thùng xe, như ngày còn bé. Hồi ấy lên xe tôi cười hoài, thế mà giờ tôi lại khóc.
Tác giả của bài viết này là: Thuỳ Hân
Read On 0 comments

NGƯỜI CHA BIẾN MẤT

11:01 PM
Viết bởi Barbara RoneyThục Hân (dịch)

Beau - chú chó xù 6 tuổi màu vàng mơ - là người bạn đồng hành của bố tôi.

Mỗi khi rảnh rỗi, bố tôi sẵn sàng nằm bò xuống sàn nhà nhìn Beau và chơi ú oà với nó, hoặc bố sẽ ném những món đồ chơi của Beau để nó chạy đi nhặt - đó là trò mà nó rất thích. Đôi khi bố và Beau chơi... đuổi nhau vòng quanh nhà. Không ngày nào là bố không cho Beau đi dạo, và thỉnh thoảng bố lại cúi xuống xoa đầu nó.

Nếu bố mẹ tôi cùng đứng ngoài sân nói chuyện với ai đó thì chắc chắn bố sẽ bế Beau trên tay. Lúc Beau sủa loạn xạ khi có chuyện gì bất thường hoặc có khách đến nhà, bố sẽ vỗ nhẹ nhẹ lên đầu nó và nói nhỏ: "Nào, Beau, ổn cả mà". Thậm chí, mỗi khi cả gia đình chúng tôi đi thăm nhà ai đó, bố cũng cho Beau đi cùng và lúc đến nơi, bố để Beau ngồi bên cạnh, cứ một lúc lại xoa lưng cho nó một cách nhẹ nhàng. Còn lúc trên ôtô, nếu bố không phải lái xe thì chắc chắn Beau sẽ có một chỗ trong lòng bố rồi! Và mỗi buổi đêm thì Beau chẳng chịu ngủ ở đâu khác ngoài vị trí dưới chân bố.

Bởi thế, trong nỗi đau đớn của mình, chúng tôi không thể không nhận thấy cả nỗi đau đớn của Beau khi bố tôi bất ngờ mất vì bệnh tim.

Beau đi tìm bố khắp nơi. Nó vào từng phòng trong nhà, đôi mắt nhỏ sáng dõi khắp phòng như thể cố kiếm xem bố có thể nấp ở đâu. Mỗi lần có ai mở cửa, Beau chạy ào ra ngoài, đầu quay từ bên này sang bên kia, chạy khắp quanh vườn, quanh phố, như thể nó hy vọng bỗng nhiên lại nhìn thấy bố tôi đang cắt cỏ hoặc ngồi chơi trên chiếc ghế trong vườn nhà hàng xóm. Mỗi tối, Beau vẫn nằm ngủ ở chỗ cũ trên giường, nhưng nó tỉnh dậy nhiều lần và luôn nháo nhác nhìn quanh xem bố đâu.

Vài tuần sau đó, mẹ tôi đi thăm họ hàng. Chúng tôi động viên mẹ đi, vì cho rằng mẹ cũng cần được khuây khoả. Tôi và anh trai sẽ ở nhà trông Beau khi mẹ đi vắng.

Nhưng ngay đêm đầu tiên mẹ đi thì chúng tôi đã gặp vấn đề: Beau không chịu ngủ. Có lẽ nó buồn vì cả mẹ cũng không có mặt trong nhà nữa. Beau cứ đứng ở cửa, sủa váng lên đầy hy vọng mỗi khi nghe thấy tiếng ai đó đi qua.

Tôi bèn nghĩ ra một cách. Tôi lục phòng bố mẹ xem có thứ gì đó quen thuộc để đặt cạnh Beau cho nó ngủ. Và tôi tìm ra một chiếc áo sơmi của bố mà hình như mẹ còn chưa kịp giặt. Tôi đặt chiếc áo gần chỗ của Beau, ngay trên giường bố mẹ.
Ngay khi nhìn thấy chiếc áo, Beau nhảy lên giường, dí mũi vào ngửi. Nhưng cũng gần như ngay lập tức, nó lùi lại và nhìn quanh bằng ánh mắt tìm kiếm. Thỉnh thoảng, nó quay lại nhìn cái áo như dò hỏi, rồi cáu kỉnh chạy khắp như để tìm bố mẹ tôi. Vậy là tôi đành cất chiếc áo đi.

Phải gần nửa năm sau, Beau mới dần bình tĩnh trở lại, không còn đi khắp nơi tìm bố tôi nữa. Và dù rõ ràng nó không còn là chú chó vui vẻ vô tư lự như chính nó trước đây, nhưng Beau đã chịu ngủ yên dưới chân giường mẹ tôi.

Có lẽ Beau, cũng như mẹ tôi, cũng như chúng tôi, đều hiểu rằng không người nào có thể hoàn toàn thay thế một người khác trong cuộc sống này, nhất là một người đã để lại dấu ấn yêu thương quá lớn trong cuộc sống chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải học cách đi tiếp.
Read On 0 comments

Cái đuôi hạnh phúc

7:20 PM
Viết bởi HHT


Một lần, có một chú mèo nhỏ cứ đuổi theo cái đuôi của mình. Chú mèo cứ đuổi mãi, đuổi mãi, và tất nhiên, không thể túm được cái đuôi. Một bác mèo già hơn đi qua, đứng nhìn một lúc rồi hỏi: “Này, mèo con, sao lại cứ đuổi theo cái đuôi của mình thế?”.
Mèo con đáp: “Cháu nghe nói là có hạnh phúc ở trong cái đuôi, cháu cần phải bắt được nó”.


Bác mèo già đứng nhìn một lúc nữa, rồi nói:



- Bác cũng từng đuổi theo cái đuôi của mình và cho rằng bác sẽ tìm thấy hạnh phúc ở đó. Nhưng rồi bác nhận ra rằng bác không cần phải đuổi theo nó, vì bác đi đâu nó cũng tự động đi theo.




Rồi bác mèo già đứng dậy và bỏ đi, với cái đuôi lúc lắc theo sau.
Read On 0 comments

Việc làm thêm của tôi

3:38 PM
Tôi tốt nghiệp trung học với nhiều ước mơ, nhưng không hề có tiền. Tôi cần một việc làm thêm. Đi rất nhiều nơi, nhưng chẳng ai nhận một học sinh mới tốt nghiệp trung học. Nhưng cuối cùng, tôi cũng tìm được một công việc. Nó có thể được gọi là một công việc trong mơ, nếu như bạn là người hay gặp... ác mộng!

Nói thẳng ra, việc tôi nhận được là cọ rửa toilet của một ký túc xá. Tôi không thích công việc này lắm, nhưng tôi cần tiền. Dù sao, nó cũng là một công việc lương thiện và không có gì đáng xấu hổ. Còn hơn là tiếp tục sống dựa vào bố mẹ. Tôi phải làm việc vào các buổi chiều tối, kể cả buổi chiều Chủ Nhật - khi mà cả thế giới có vẻ đang thư giãn và nghỉ ngơi. Những lúc như vậy, tôi lại tự hỏi tại sao mình lại nhận công việc này. Tại sao tôi lại cứ phải bò ra sàn toilet để cọ từ ngày này sang ngày khác?

Nhưng những lúc nản lòng nhất như vậy, tôi lại nghĩ tới ông nội tôi - ông Sundstrom. Ông rời Thuỵ Điển để di cư tới Iowa nhiều năm về trước, cùng vợ và năm người con, trong đó có bố tôi. Họ lên một chuyến tàu thuỷ dài ngày đến New York. Chuyến đi càng trở nên dài hơn bởi những cơn say sóng khủng khiếp.

Họ tới New York, rồi lên tàu hoả tới bang Iowa. Rồi thành phố Algona sẽ là đích đến cuối cùng. Ông tôi đã tiết kiệm nhiều tiền hết mức có thể, đủ để đảm bảo cho gia đình một khởi đầu không quá khó khăn khi đến Iowa. Lúc này, cả gia đình đều không biết tiếng Anh, chỉ biết tiếng Thuỵ Điển. Nhưng ông tôi có quen một người ở Algona. Người này sẽ giúp ông chuẩn bị chỗ ở và một việc làm.

Rồi một điều không may xảy ra. Ông Sundstrom của tôi cần vào toilet trên tàu. Toilet kiểu cũ trên tàu hoạt động rất đơn giản: những gì ở "đầu vào" sẽ có "đầu ra" là... rơi xuống đường ray.

Khi ông tôi trở về chỗ ngồi, ông phát hiện ra mình đã mất ví. Ông trở lại toilet tìm khắp nơi, nhưng không thấy. Hẳn nó đã bị rơi xuống đường ray rồi. Ông cố gắng nói chuyện với người quản lý trên tàu, nhưng ông ta không nói tiếng Thuỵ Điển. Thế là đột nhiên, cả gia đình trở nên bơ vơ, không có một chút tiền phòng thân. Trên tàu, cả gia đình nhịn đói. Một vài hành khách tử tế cho vài chiếc bánh quy và mấy miếng táo - đó là tất cả những gì bọn trẻ - bao gồm bố tôi - được ăn.

Khi đến Algona, ông tôi rất ngạc nhiên vì không ai ra đón. Có lẽ người quen của ông tôi đã không đến đúng giờ. Và thứ duy nhất ông tôi có lúc đó là địa chỉ của ông ấy. Cả gia đình đi bộ từ đường này sang phố khác, vừa đi vừa giơ địa chỉ ra hỏi mọi người. Cuối cùng, cũng tìm đến đúng địa chỉ, nhưng nhận được tin rằng người quen đã mất. Và tất nhiên, lời hứa về một việc làm cũng không còn tồn tại.

Và ông bà tôi đã trải qua rất nhiều năm tháng khó khăn. Bà tôi tìm được việc làm là dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình khác. Cả nhà học tiếng Anh. Dần dần, năm người con của ông bà tôi cũng tốt nghiệp trung học. Bốn người con gái học Đại học rồi trở thành giáo viên. Bố tôi theo học trường Luật và trở thành luật sư.

A, đọc đến đây, bạn có thể hỏi ông Sundstrom của tôi làm gì để các con đếu được đi học, rồi có một cuộc sống tốt như vậy?

Ông tôi cũng cọ toilet.

Viết bởi Al Batt Thục Hân (dịch)
Read On 0 comments

Cả gia tài giá 1 đôla

6:03 PM
Ông Bernie Mears và bà Marie, vợ ông, không có con cái, họ dồn hết tình yêu cho nhau và chuyên tâm làm lụng. Cửa hàng tạp hoá của họ đông khách. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc...

... cho đến khi cuộc Đại Khủng hoảng đổ ập xuống. Chẳng ai còn có tiền thậm chí là để mua thức ăn. Thế rồi bà Marie bị đau tim và ra đi, bỏ lại ông Bernie một mình.

Ông Bernie suy sụp, không thiết tha bất kỳ điều gì nữa. Ông chỉ mở cửa khi có hứng và không thích thì lại đóng cửa. Khách hàng ngày càng thưa vắng hơn, hàng hoá ế đọng, phủ bụi vì ông Bernie cũng chẳng buồn lau dọn.

Ông ngày càng gầy đi và cũng chẳng muốn ăn uống. Ông đã mất bà Marie, và bây giờ cả cơ nghiệp cũng sắp mất. Thế thì ông còn muốn sống làm gì nữa?

Gia đình cô bé Julie gần đấy cũng đang rất khó khăn, hiếm khi được ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Thế nhưng cô bé mới 14 tuổi ấy, đến giờ ăn vẫn đem một phần trong bữa ăn đạm bạc của gia đình mình sang cho ông, bởi cô lo lắng khi thấy ông Bernie cứ buồn khổ và gầy rộc đi như vậy. Cô nói chuyện với ông, rồi quét sàn và lau bụi cho cửa hàng. Nhờ cô bé, ông Bernie có những nụ cười hiếm hoi.

Vào mùa xuân, Julie giúp bố mẹ nhổ cỏ trong vườn để trồng rau. Điều này làm cô nảy ra một ý. Cô bảo ông Bernie biến khoảng đất rộng cạnh cửa hàng thành một khu vườn, sau đó bán rau quả trồng được trong vườn ngay tại cửa hàng với giá rẻ. Như thế thì ông Bernie vừa có thu nhập, còn những người hàng xóm thì có thể mua hàng. Thế là hai ông cháu bắt tay vào trồng ở một nửa khu vườn, còn nửa kia thì 3 tuần sau mới trồng, để luôn có rau quả tươi mới.

Đây có thể được coi là ý tưởng ban đầu của kiểu cửa hàng "Một đôla", vì chẳng có gì giá cao hơn một đôla cả. Chẳng bao lâu sau, cửa hàng trở nên nổi tiếng trong cả thị trấn, vì giá tốt nhất mà sản phẩm thì tươi nhất.

Ông Bernie và Julie đã làm việc hết sức để vượt qua được những năm đầy sóng gió và họ tạo nên một cửa hàng thành công. Julie bắt đầu có thu nhập cao hơn. Khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, thì doanh thu của cửa hàng cũng tăng lên.

Lúc này, ông Bernie đã gần 70 tuổi. Ông chỉ kiểm tra sổ sách và thỉnh thoảng tính tiền, còn Julie làm hầu hết mọi việc khác. Họ cũng đã thuê người để trồng trọt và chăm sóc cho khu vườn.

Một buổi chiều, sau khi xem xong sổ sách, ông Bernie mỉm cười nói với Julie:
- Chúng ta ổn rồi, Julie ạ. Công sức của chúng ta đã được bù đắp. Cháu hãy đưa cho ta một đôla đi.
Julie không biết tại sao ông Bernie lại cần một đôla, nhưng cô cứ lấy ra đưa cho ông. Ông Bernie lại cười:
- Julie, bây giờ cửa hàng này là của cháu. Ta đã suy nghĩ kỹ rồi, không có ai xứng đáng làm chủ nó hơn là cháu. Cháu đã giúp ta cứu cả cửa hàng, và cả chính con người ta. Ngay khi thủ tục chuyển giao cửa hàng cho cháu hoàn tất, thì ta sẽ đi du lịch, ta ao ước điều ấy lâu rồi.

Julie rất ngạc nhiên, nhưng rồi cô cảm ơn ông Bernie, và nói thêm rằng cô sẽ luôn giữ cái tên "Cửa hàng gia đình Mears" - và ông có thể quay lại bất kỳ khi nào ông muốn.

Vài ngày sau, ông Bernie đóng gói đồ đạc lên xe ôtô và lên đường giữa rất nhiều lời chúc tốt lành của những người hàng xóm. Ông vẫn thường xuyên liên lạc với Julie để kể với cô về những vùng đất tuyệt vời mà ông đã đặt chân, và những con người thú vị mà ông đã gặp.

Đó là chuyện cổ tích có thật về một cô bé nghèo khổ tên là Julie. Lòng tốt, ý tưởng, hăng say lao động luôn giúp chúng ta viết nên những câu chuyện cổ tích có hậu cho chính mình...
Read On 0 comments

Ánh sáng đầu tiên

6:08 PM
Hồi còn nhỏ, tôi sống ở một khu phố rất đông đúc. Bên cạnh nhà tôi có một cậu bé bị mù. Nhưng cậu ta rất thông minh, có thể đọc chữ nổi.

Dù mới 6 tuổi, nhưng cậu bé đã đọc được rất nhiều, thậm chí còn làm Toán được. Cái cách mà cậu bé chạy, chơi, trò chuyện với chúng tôi rất tự nhiên, khiến những ai chưa quen khó mà biết được là cậu bị mù. Ngay cả đôi mắt của cậu trông cũng bình thường, chỉ khi nhìn kỹ mới thấy cái gì đó như một đám mây mỏng ở sâu bên trong.

Một thời gian sau, người ta phát triển được cách phẫu thuật mắt hoàn toàn mới và đưa vào thử nghiệm. Bố mẹ cậu bé vội vã đưa cậu đến bác sĩ. Các bác sĩ nói rằng cậu bé có cơ hội nhìn thấy được, dù không được tinh như mắt thường. Nhưng bố mẹ cậu bé cho rằng như thế đã không khác gì một phép lạ.

Chỉ khi nghe nói đến chi phí của phép lạ thì họ cảm thấy tuyệt vọng. Vì đây là phương pháp mới nên giá thành cũng rất cao, không có cách nào giảm bớt chi phí cả. Thế là cả khu phố chúng tôi bắt đầu quyên tiền. Lũ trẻ thì quyên tiền ở trường. Các bậc cha mẹ, hồi đó ai cũng khó khăn, thì đi làm ngoài giờ và để dành ít tiền đem đến cho bố mẹ cậu bé. Gloria, cô bé có một chân bị tật, thường ngồi vào chiếc xe gỗ nho nhỏ do bố tự chế và được chú chó tên Kỳ Diệu kéo đi khắp phố, thì mở một quầy bán nước chanh ngay trước cửa nhà và dành toàn bộ tiền để gửi cho cậu bé mù. Một vài nhà khác cũng mở một quầy rau và bán rau hái trong vườn nhà mình. Tôi thì sang các khu phố khá giả hơn, xin cắt cỏ thuê để kiếm tiền quyên góp. Và tất cả những nỗ lực của chúng tôi được đền đáp bằng việc thủ tục phẫu thuật mắt cho cậu bé mù đã hoàn thành với toàn bộ viện phí đã được trả.

Cậu bé mù được nhập viện. Chúng tôi không được vào thăm. Vài ngày sau, khi bố mẹ cậu bé đưa cậu về nhà, tôi thấy đầu cậu bé quấn băng trắng toát, rồi cậu bé phải ở trong nhà và giữ yên tĩnh trong khoảng 30 ngày.

Rồi một buổi tối mùa thu đẹp trời, cậu bé được tháo băng. Căn phòng phải tắt hết đèn. Hầu như mọi người trong khu phố đều tập trung ngoài cửa nhà cậu bé, mang theo đủ thứ làm quà. Một lúc sau khi tháo băng, chúng tôi được mời vào. Cậu bé đang ngơ ngác nhìn quanh, những cái nhìn đầu tiên vào thế giới. Cậu dò dẫm đi ra cửa sổ. Đèn các nhà hàng xóm đang bật. Cậu hỏi đó là gì. Tôi bảo những người hàng xóm đang ở nhà, vì thế đèn nhà họ mới bật sáng. Cậu bé thích lắm, vì cậu chưa được nhìn thấy ánh sáng bao giờ.

Bố mẹ cậu dẫn cậu ra ngoài vườn, nơi rất nhiều người đang đợi để làm một bữa liên hoan nho nhỏ. Cậu bé nhìn quanh, đoán từng người bằng giọng nói mà cậu đã quen. Rồi chợt cậu ngẩng lên nhìn bầu trời: trời trong vắt, có trăng sáng và sao lấp lánh. Cậu bé chợt reo lên:


- Hôm nay các thiên thần cũng đang ở nhà, họ cũng đang bật đèn kìa!


Không ai trong số chúng tôi có thể giữ cho mắt mình khô.



Lời người dịch: Nếu có mặt ở đó, tôi sẽ tặng gì cho cậu bé hạnh phúc này nhỉ? Tặng cho cậu một sự thật, đó là có những thiên thần trên bầu trời, và có cả những thiên thần trên mặt đất.
Read On 0 comments

Em Kristi là Nhà vô địch

4:56 PM
Viết bởi Anita Gogno (ghi lại) - Thục Hân (dịch)

Khi Kristi ra đời, các bác sĩ nói rằng em có hai bàn chân bị hướng vào phía trong, và "nếu không chỉnh lại, nó sẽ trở thành cả một vấn đề đấy". Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố mẹ tôi khóc.

Thế rồi, khi em mới chỉ được 2 tuần tuổi, bố mẹ đã phải bế em quay lại bệnh viện. Bác sĩ đặt hai bàn chân bé nhỏ của em vào hai cái khuôn, và tôi không nhìn thấy những ngón chân xinh xinh của em nữa. Đến bố cũng rơm rớm nước mắt. Và từ đó, cứ hai lần một tuần, bố mẹ lại bế em tới để "tạo khuôn lại" cho đôi bàn chân. Và dù không đi theo bố mẹ, thì tôi cũng biết rằng Kristi sẽ trở về với hai chân bị đặt vào hai cái khuôn mới.

Rồi, việc lắp khuôn cũng kết thúc, và Kristi phải đi những đôi giày gắn liền những thanh nẹp "chỉnh chân". Em đi lại rất khó khăn. Tôi thường giúp em bằng cách để em vịn vào vai mình. Và hai chị em cùng bước đi. Khi em bước được những bước đầu tiên, tôi cũng bật khóc. Cho đến khi vào lớp mẫu giáo, trông bước chân của Kristi đã gần "bình thường".

Và ngay khi bắt đầu đi được "gần bình thường", Kristi khám phá ra một điều về bản thân mình: em rất thích trượt băng!

Thế là khi Kristi được 6 tuổi, em ghi tên vào lớp học trượt băng. Mỗi ngày tập về là mỗi lần em đau nhức đôi chân, có khi từ hông trở xuống. Nhưng Kristi không nghỉ buổi nào. Thậm chí, em còn xin ở lại lớp muộn để tập thêm, vì em cần gấp đôi thời gian mới có thể thực hiện được thuần thục một động tác như các bạn khác. Nhưng mỗi khi mẹ tôi, vì quá thương mà khuyên em nên chọn một môn khác, em lại mỉm cười: "Mẹ à, con yêu sân băng!"

Sau vài năm, chúng tôi đã phải tròn mắt ngạc nhiên nhìn em lướt trên sân băng, uyển chuyển như một nàng thiên nga. Lại thêm một lần nữa, bố mẹ và tôi không ngăn được nước mắt. Nhưng dù sao, trong lớp, Kristi chưa bao giờ là học sinh học nhanh nhất hay giỏi kết hợp nhất. Em chỉ là người chăm chỉ nhất, tốn nhiều thời gian và mồ hôi nhất.

Nhưng rồi năm 15 tuổi, Kristi dự thi cả hai môn: trượt đôi và trượt đơn nữ ở giải vô địch trẻ thế giới năm 1988 (Australia). Thật ngạc nhiên, em chiến thắng trong cả hai môn! Tại giải vô địch thế giới dành cho lứa tuổi lớn hơn vào năm 1991, em chiến thắng trong môn trượt đơn nữ. Để rồi cả gia đình chúng tôi lại được mỉm cười hạnh phúc ở Pháp, vào Olympics Mùa đông năm 1992, khi Kristi giành huy chương
vàng.

Từ khi Kristi ra đời, biết bao năm tháng đã qua, suốt những năm đó, chưa một lần chúng tôi kỳ vọng
vào những huy chương vàng hay một sự nghiệp trượt băng chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ làm tất cả những gì có thể để giúp Kristi, tôn trọng sự nỗ lực và những đam mê của em, hy vọng em có thể làm được nhiều nhất với hai bàn chân bé nhỏ từng bị ép kín trong những cái khuôn nặng trịch.

Và vì thế, đối với gia đình chúng tôi, ngay từ khi Kristi chập chững những bước đầu tiên, thì em đã luôn bước những bước của một nhà vô địch rồi.
Read On 0 comments

“Một tay dao búa”

8:59 AM
Viết bởi Cẩm Tú

Mới vào trường, đúng hôm xếp chỗ, tui lại vắng mặt. Hôm sau đến lớp, khi nhận ra người ngồi chung bàn là Sanh, tim tôi muốn ngừng đập.

Sanh lầm lì, cao to một cách đáng ngại, cặp mắt sâu sẫm. Thứ cậu ta đựng sách vở là một cái túi vải bố xám xì, nhìn thiệt bụi bặm. Lớp phó mới được bầu rỉ tai các bạn rằng Sanh không thiết tha gì lắm chuyện học. Nhà Sanh là dân “xã hội đen” sừng sỏ trên chợ đầu mối, ai cũng phải sợ. Lần nọ, có gã lưu manh vào chợ gây gổ với chủ gian hàng mà nhà Sanh nhận bảo kê. Cậu ta nhào tới, vật nghiến tên lưu manh ra đất, bẻ đụi cẳng tay của hắn như bẻ… đọt mía. Nghe chuyện, đứa nào đứa nấy xanh mặt.


Ngồi cùng bàn với Sanh, đầu óc tui căng thẳng, vì nghe đồn cậu ta đi học mang theo cả dao xếp. Canh lúc ra chơi, tui lúi húi mở túi của Sanh ra coi sao. Thình lình Sanh vô lớp. Tui giật bắn người. Nhưng Sanh chỉ giật lại cái túi, không nói gì, vẻ mặt lạnh băng đe doạ ngấm ngầm. Cậu ta hất hàm ra lệnh tui đứng lên. Phen này mình chết chắc rồi, tui nhủ bụng. Sanh mở túi, lôi ra một cây búa. Chỉ vài phát phang nện chí tử vào mộng bàn mộng ghế lỏng lẻo, chỗ ngồi của tui và cậu ta bỗng trở nên chắc chắn. San phủi tay, mặt lừ lừ, vẫn không ngó ngàng gì tui. Đó, cậu ta “dằn mặt” tui bạo lực như vậy đó!

Cuối tháng, thầy chủ nhiệm khuyên tui nên bồi dưỡng thêm môn Toán. Trường đã bỏ các lớp dạy thêm. Thầy gợi ý: “Em có thể nhờ Sanh kèm!”. Tui ngỡ ngàng hỏi lại: “Em kèm cậu ấy hay cậu ấy kèm em?”. Thầy phì cười: “Em không biết Sanh rất khá Toán à?”. Tui há hốc miệng.

Chẳng biết thầy nói gì với Sanh, bữa sau, cậu ta mang tới mấy quyển sách bài tập, đặt ịch lên bàn, nói cụt lủn: “Bài nào tui đánh dấu đỏ, làm đi. Không giải được, nói liền nghe!”. Tui bị đẩy vào thế buộc phải học Toán. Ngán học thì ít, sợ Sanh thì nhiều. Làm xong, cậu ta kiểm tra. Sanh càng ít nói, tui càng sợ. Dù điểm Toán của tui khá lên thấy rõ, nhưng cứ nhớ tới cái búa trong túi xách, rồi màn bẻ ngoéo cẳng tay mà coi…

Tui xin thầy cho tui đổi chỗ. Thầy đồng ý, với điều kiện Sanh cũng muốn vậy. Hôm sau vào lớp, tui tính gặp Sanh nói ngay. Nhưng bữa đó Sanh lại nghỉ học. Rồi suốt một tuần liền đó, cậu ta cũng chẳng tới lớp. Lớp phó xì xào Sanh uýnh nhau trên chợ, bị thương nặng lắm.

Tui được lớp phân công tới thăm Sanh. Lần theo địa chỉ, tui lên chợ. Nhà cậu ta khuất sau vựa củi. Tui đẩy cửa bước vô. Sanh ngồi bên bộ ván, dấp nước lên trán một người phụ nữ gầy nhom. Nhận ra tui, Sanh nói gọn: “Ba tui đi làm xa, nên tui phải nghỉ canh má bịnh nặng!”. Tui nhìn quanh căn nhà nhỏ xíu. Hoá ra nhà Sanh làm mộc. Cậu ta phụ ba từ nhỏ, rành nghề mộc lắm, chứ chẳng hề liên quan đến “xã hội đen” gì đâu. Nghe tui hỏi về vụ bẻ gãy tay tên lưu manh, Sanh trố mắt: “Sao biết hay vậy? Nó móc túi người ta, tui rượt theo túm được, vặn tay ra sau lưng đưa lên công an phường”. Tui ngồi im, thẫn ra. Chao ôi những lời đồn thổi…

Bây giờ, ai muốn đổi chỗ với tui, tui cũng không đổi đâu. Có lẽ cuộc sống vất vả làm Sanh lầm lì, ít khi nở nụ cười vui. Nhưng tui biết, ở bên cạnh những người như cậu ấy, tui học được rất nhiều, bài học về nghị lực sống và vươn lên.

Tác giả của bài viết này là: Cẩm Tú
Read On 0 comments

Thợ sửa xe nhí

11:47 AM
Viết bởi Huy Hiếu Ba tui mất sớm, nhà có hai má con. Má tui yếu sức nên kiếm sống bằng nghề làm các loại bánh ngọt, bánh kem. Nhờ ở mặt tiền, nhà tui vừa là xưởng, vừa là tiệm bán bánh, dù rất chật chội. Mẹ nhỏ Thuý, con nhỏ ngồi kế tui trong lớp, cũng hay đặt má làm bánh sinh nhật cho khách. Tui được ăn no, sách vở quần áo đầy đủ, là nhờ hết vào tài làm bánh của má.
Năm tui học lớp bảy, con đường trước nhà mở rộng. Mỗi bên lấn vào bốn mét. Giải toả, nhà tui được đền bù một căn hộ chung cư rộng rãi. Tui mừng lắm, khoe với nhỏ Thuý. Con nhỏ tặng tui cái đồng hồ Mickey, gọi là quà “tân gia”. Thế nhưng má rất lo, có nhà mà không còn cửa hàng bánh, biết lấy tiền đâu sinh sống.

Má đem bánh tới mấy tiệm cà phê, cửa hàng xin bỏ mối. Chỗ nào cũng trả giá rẻ mạt. Cuối tháng đóng tiền học thêm, tui không dám mở miệng xin má, lén nghỉ ngang, căng óc nghĩ cách kiếm tiền phụ má.

Một bác hàng xóm cũ đã cho tui bộ đồ nghề. Được bác chỉ dạy, tui biết cách bơm vá ruột xe. Mấy hỏng hóc nhỏ như dơ bu-gi, nghẹt xăng, tui cũng có thể sửa chữa được. Thế là một buổi chiều, tui mang đồ nghề đặt ngay một góc đường nhiều xe qua lại. Cả buổi, chỉ bơm bánh xe, tra dầu nhớt, vặn lại mấy con vít cho khách, tui cũng kiếm ngót nghét hai chục ngàn đồng. Mang tiền về đưa má, má tra gạn mãi, rồi hoảng hồn lên. Tui hỏi khẽ: “Nếu con không làm, má con mình lấy đâu tiền đi chợ?”. Má tui nước mắt lưng tròng.




Bữa sau, thấy tui thay bộ đồ cũ, xách đồ nghề ra cửa, má lật đật chạy theo, đưa cho tui cái nón vải rộng vành, và cái ghế đòn bằng gỗ. Thế là tui thành một chú thợ nhí sửa xe chuyên nghiệp.

Đi làm, tui đội nón sùm sụp, đeo khẩu trang rất kỹ. Có lần, Thuý chạy cái mi-ni Nhật tới vá ruột xe. Lúc tính tiền công, tui chỉ lấy một ngàn đồng. Con nhỏ nhìn sững. Tui ráng lắm để không run bắn lên, tim muốn ngưng đập. Càng ngày, tui càng hay đụng mặt nhiều bạn quen trong lớp. Có đứa ngày nào cũng bơm xe. Cũng may, nhờ bộ cánh nhem nhuốc, chẳng có ai phát hiện ra tui.

Dang nắng nhiều, da tui đen sạm đi. Tóc tai phảng phất mùi xăng nhớt. Mấy lần, ngồi kế tui trong lớp, nhỏ Thuý hỉnh mũi lên hít hít, tim tui lại đập loạn. Tự dưng, tui rất hay nghe ngóng và dễ nổi quạu kinh khủng. Có lần, nghe thằng bạn nói “mặt mày dài như cái bơm”, suýt nữa tui lao vô đấm nó một trận. Sức học tui cũng sa sút thấy rõ. Được cái nhỏ Thuý không hỏi han gì lôi thôi. Nó chỉ mang sách cho tui mượn đọc thêm, chia sẻ với tui các dụng cụ học tập nho nhỏ.

Một hôm, tui sửa xe về nhà, thấy má mừng rỡ không nói nên lời. Mãi sau, má mới khoe có bà khách hàng cũ mời má vô làm thợ bánh ngọt chính trong bếp lớn của khách sạn. Tui nín lặng. ở lớp, ai mà không biết má nhỏ Thuý là giám đốc một khách sạn nổi tiếng. Chắc chắn, nó đã biết bí mật của tui nên đã nói với các bạn mang xe ra sửa. Rồi bây giờ là đến chuyện này.

Má tui đã có việc làm ổn định. Không còn phải ra đường sửa xe nữa, tui lại học khá lên. Dù chẳng thích nói văn hoa đâu, nhưng giờ đây tui đã biết tin cậy vào bạn bè, bắt đầu từ bao điều tốt mà nhỏ Thuý nhân hậu đã làm cho tui.
Tác giả của bài viết này là: Huy Hiếu

Xem các bài viết khác của tác giả này.

Read On 0 comments

Người bạn 3 ngày

11:22 AM
Viết bởi Trâm Anh

Năm tui 11 tuổi, má tui sinh thêm một thằng con trai. Má vào viện. Đi học về, tui lủi thủi tự mở tủ lạnh kiếm đồ ăn thức uống. Quần áo cũng phải tự ủi. Đến khi ba gọi điện về nhà, nói má đã sinh mổ và thằng bé nhóc đã ra đời, thì tui hiểu, từ nay chẳng còn ai đoái hoài gì đến tui nữa.

Ba ghé về nhà, lấy thêm đồ đạc, tiện thể chở tui vô viện thăm má và em. Ba bận làm ca nên đưa tui lên phòng má rồi đi ngay. Má tui nằm chung phòng với mấy cô khác. Em tôi được bó tròn như con sâu, bất chợt khóc oe oe. Má tui gắng gượng ngồi lên dỗ bé, vết mổ đau nên lại nằm vật ra.


Tui thì lóng ngóng quá. Bất chợt, một thằng con trai trạc tuổi tui, ở giường ngay kế bên rón rén bước sang. Má tui mỉm cười, gật nhẹ đầu. Thế là thằng người lạ bế bổng thằng nhóc lên gọn hơ. Nó ôm em tui trước ngực, dỗ khéo tới nỗi thằng bé nín dần, cái miệng chóp chép. “Em bé đói rồi nè cô!” - Thằng người lạ kêu lên, đặt em bé vào lòng tay má tui. Nó nhìn má vạch áo cho em bú, chẳng biết mắc cỡ gì cả. Thiệt là lạ!

Má tui bảo Hiếu hơn tui một tuổi. Nó vô bệnh viện nuôi má nó sanh đôi, hai đứa em gái. Một mình nó dỗ hai em, thay tã, pha sữa liền liền tay. Má nó lớn tuổi, lại sinh đôi nên rất yếu sức, chỉ nằm yên một chỗ. Nó bồng em, cho từng đứa bú bình. Nháng một cái, đã thấy nó ôm đồ dơ của hai đứa em đi giặt. Thấy tui, nó cười khì, hỏi: “Sắp tối rồi đó. Mày không đi lấy thêm nước nóng hả? Để pha nước ấm để má mày uống chớ!”. Tui cầm cái bình thuỷ, lính quýnh đi theo Hiếu xuống căn-tin.

Hiếu tất bật như con ong. Lúc thì nó ở bên giường má nó và hai đứa em. Lúc nó lại đảo qua bên góc phòng mấy má con tui. Nó kêu tui đưa tiền. Nó lại xuống căn-tin, mua chung một cà-mên đầy cháo thịt. Hiếu sớt cháo ra mấy phần, chén cho má nó, chén cho má tui. Hai bà mẹ ăn xong, nó vẫy tui ra ngoài, đưa cho tui một cái muỗng và cà-mên, cười hì hì: “Mày ăn đi, rồi tao ăn. Đỡ mất công rửa nhiều chén. Mày đừng lo, rồi tao súc bình sữa giùm luôn cho!”. Mỗi khi tui cần thứ gì, Hiếu đều cho mượn. Tui không biết làm gì, nó tận tình chỉ dẫn.

Buổi tối, tui và Hiếu ngồi bên nôi, nhìn những gương mặt bé bỏng ngủ ngon. Hiếu đưa tay vuốt trán em nó, âu yếm lắm. Má nó mở mắt, mỉm cười: “Có em, con cực quá, Hiếu ha!”. Nó lắc đầu, mắt cười vui. Nhìn Hiếu, bỗng dưng, tui thấy mình kém cỏi và ích kỷ làm sao…

Sau ba ngày, má và thằng em tui được bác sĩ cho ra viện. Tui khấp khởi chào tạm biệt Hiếu. Nó lăng xăng phụ tui xách đồ ra xe, dặn đi dặn lại khi bế em, phải nhớ đỡ cái đầu em bé lên trước. Mải nói chuyện đâu đâu, đến khi xe chạy xa, tui mới sực nhớ chẳng có địa chỉ hay số điện thoại của Hiếu.

Mãi tới khi về nhà, má tui mới bảo Hiếu chỉ là con nuôi của má nó thôi. Ba má Hiếu hồi đó tưởng không có con, nên nhận nó về từ trại trẻ mồ côi. Thiếu thốn tình cảm, được sống trong gia đình, nên lòng nó lúc nào cũng tràn ngập yêu thương. Tui nghe má kể, ngồi lặng đi, chỉ có một hạt nước mắt mấp mí trên mi mắt là sắp rớt xuống.

Tác giả của bài viết này là: Trâm Anh
Read On 0 comments

Giveaway of the Day -

System Requirements:
Publisher:
Homepage:
File Size:
Price:
..


4 Free On Internet

Followers