happy life why not
Cafe chiều thứ 7 - HHT Select - Some nice music - Some useful software - Some wisdoms - Some thoughts and more ... But what's the meaning of your life? What do you live for? What's the aim of your living? Do you have your own answer?

Vỡ bối

Viết bởi Phạm Huy Thơ Quê tôi là vùng ngoại bối ven sông Hồng. "Ngoại bối" là một doi cát bồi nằm phía ngoài con đê chính chạy suốt từ phía thượng nguồn ra tới biển và được ngăn cách với mặt sông bởi một con đê nhỏ gọi là "bối".


Cho tới bây giờ, dù đã nhiều năm tháng đi qua, tôi vẫn không sao quên được cảm giác hãi hùng từ cái đêm ấy, cái đêm đầu tiên của "Trận lụt thế kỷ" đã biến quê tôi từ một vùng trù phú thành miền đất xác xơ, nghèo túng suốt mấy năm liền. Đó là một đêm tháng bảy, trời không trăng, không sao, oi nồng và lặng yên đến lạ thường. Đang ngủ mê mệt, bỗng cả ba anh em tôi bị dựng dậy bởi tiếng quát giật giọng của mẹ:

- Dậy cả đi, chạy nhanh ra khỏi nhà kẻo nước lụt ập tới bây giờ.

Vừa vơ vội ít quần áo cũ, vài bó củi và mấy cái xoong nhỏ, mẹ tôi vừa ra lệnh:

- Thằng Huy ôm bó củi, thằng Tập ôm túi lõi ngô và bọc quần áo theo mẹ.

Rồi mẹ tôi bỗng hốt hoảng:

- Còn thằng Học đâu?

Tôi lúng túng, vừa rụi cặp mắt cay sè vì ngái ngủ, vừa thưa:

- Dạ...Nó xuống Bà Nội từ tối...

- Cứ tạm để nó đấy, chạy thôi - Mẹ tôi vừa nói, vừa kéo tay tôi chạy ào ra ngõ.

Ra đến đường cái, một âm thanh hỗn độn bao trùm: tiếng trẻ con khóc, tiếng người la hét, tiếng chó sủa, tiếng lợn, gà kêu inh ỏi. Tiếng một ai đó vừa chạy, vừa hô như muốn thông báo cho tất cả mọi người đang ùn ùn chạy ra phía con bối:

- Vỡ...đê Linh Tập rồi, nước chảy...dữ lắm, mọi người nhanh chân...lên kẻo không kịp...

Trong đêm tối mịt mùng, anh em tôi cùng mẹ và cái Hằng (mới gần tròn một tuổi được mẹ tôi ẵm ngửa trên tay) bước thấp, bước cao lần mò về phía có ánh đuốc. Đoạn đường chừng hơn cây số ngày, thường chúng tôi vẫn chạy chơi vậy mà sao hôm nay lại trở nên xa xôi đến thế. Nhiều lúc nhìn mẹ loạng choạng trên con đường mịt mờ, lòng tôi như thắt lại.

Nơi gia đình tôi tá túc là một đoạn bối chưa bị ngập nước. Giữa biển nước mênh mông với những cơn sóng dữ dằn lao vào từ mọi phía, con bối như chiếc lá mỏng manh oằn mình hứng chịu cuồng phong và có thể bị hất tung lên bất cứ lúc nào. Trên quãng đê nhỏ dài chừng non cây số ấy có đến ba, bốn trăm người cùng chen chúc trong cảnh màn trời, chiếu đất suốt mấy ngày đêm liền.

Cùng với nỗi lo nước lụt ngày càng dâng cao, gạo, củi mỗi lúc một cạn dần, mẹ và tôi còn có một nỗi lo khác lớn hơn đó là việc đứa em tôi vẫn kẹt lại cùng bà nội trong làng.

Sang đến ngày thứ ba thì đoạn bối duy nhất còn lại bị ngập nước hoàn toàn. Lúc đầu nguời ta còn tìm cách kê cao chỗ ở bằng gạch, ngói, hòm xiểng nhưng đến giữa trưa thì nước đã ngập tới quá đầu gối người lớn. Một không khí sợ hãi và hoảng loạn thật sự bao trùm lên cả đoạn đê. Số vật dụng mang theo vốn chẳng đáng là bao bị nước cuốn trôi cả, chỉ còn lại hàng trăm con người đứng chôn chân giữa biển nước mênh mông. Tiếng khóc của lũ trẻ càng làm cho người lớn trở nên rối trí. Không khí mỗi lúc một trở nên căng thẳng, ngột ngạt.

…Khó có thể kể hết nỗi kinh hoàng khi ấy. Nhưng cuối cùng thì bốn mẹ con tôi cũng được người ta đưa vào trong đê. Tuy rã rời chân tay vì đói, rét, thay cho việc tìm chút gì bỏ bụng cho khỏi ngất, mẹ tôi quyết định phải đi tìm bà và thằng Học trước đã. Sau này mẹ tôi bảo có lẽ ông Trời còn thương, bởi mới đi được chừng vài trăm mét, tôi bỗng nhận ra thằng em với cái dáng thiểu não, thất thểu từ phía xa. Cứ để cho cu cậu tiếp tục tiến lại, tôi quay ngược báo tin cho mẹ, rồi mấy mẹ con cùng lao về phía nó. Mẹ con tôi ôm chầm lấy nhau trong niềm vui sướng khôn tả. Thằng Học mếu máo, nước mắt chảy dài, và điều không thể tưởng tượng được là trên cổ nó vẫn lủng lẳng một cái xoong con bị mất vung mà mẹ tôi bảo sang bà mượn về nấu bột cho em bé. Hoá ra là hai bà cháu cũng được cứu nhưng lạc nhau mấy hôm liền.

Những năm sau này dù quê tôi không còn bị vỡ bối thêm lần nào nữa nhưng dư âm về "Trận lụt thế kỷ" vẫn còn mãi đến tận bây giờ. Tôi viết những dòng này đúng vào những ngày lũ lớn đang tràn về vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thương các bạn khôn xiết, quê mình đâu cũng giống nhau.

Tác giả của bài viết này là: Phạm Huy Thơ
0 comments:

Post a Comment


Giveaway of the Day -

System Requirements:
Publisher:
Homepage:
File Size:
Price:
..


4 Free On Internet

Followers